Sáng 2/4, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển, Hỗ trợ Cộng đồng công bố báo cáo chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2023.

Vị trí dẫn đầu của Thừa Thiên Huế không gây ngạc nhiên khi tỉnh này luôn duy trì vị trí dẫn đầu cả nước trong những năm qua ở cả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số PAPI.

Trong bảng xếp hạng lần này có sự vắng mặt đáng tiếc của Quảng Ninh (xếp hạng nhất trong bảng chỉ số PAPI năm 2022) và Bình Dương. Theo TS Đặng Hoàng Giang, thành viên nhóm nghiên cứu PAPI cho biết, nếu như cách đây 10 năm các tỉnh thành không quan tâm đến PAPI. Những năm trở lại đây, một số tỉnh thành lại có sự quan tâm quá mức, có những hành động để "làm đẹp" con số khảo sát.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy kết quả khảo sát của 2 địa phương này vượt quá giá trị sai số cho phép trong thống kê nên loại bỏ khỏi bảng xếp hạng.

Bà Ramla Khadili, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Anh Tuấn)

Có thể thấy, với nhiều nỗ lực, Bắc Ninh giữ vững vị trí mười địa phương có chỉ số PAPI cao nhất cả nước liên tiếp trong nhiều năm. Cụ thể, Bắc Ninh đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng có hai chỉ số xếp thứ 2 cả nước gồm chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân với 4,5467 điểm và chỉ số quản trị điện tử với 3,729 điểm. Theo bảng xếp hạng, Bắc Ninh đứng thứ 3 về chỉ số cung ứng dịch vụ công với 8,2568 điểm; xếp thứ 4 về công khai, minh bạch với 5,8234 điểm; xếp thứ 5 về chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở với 5,5334 điểm.

Bên cạnh đó, tỉnh xếp thứ 11 về chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công với 7,1588 điểm; xếp thứ 23 về thủ tục hành chính công với 7,2747 điểm; xếp thứ 35 về quản trị môi trường với 3,3818 điểm.

Năm 2023 là năm thứ 3 trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 của chính quyền các cấp. Do đó, kết quả khảo sát PAPI 2023 là nguồn dữ liệu và thông tin hữu ích, giúp các cấp chính quyền nắm bắt được cảm nhận và trải nghiệm của người dân về điều kiện kinh tế - xã hội, mối quan ngại cũng như kỳ vọng của người dân đối với bộ máy công vụ trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Tại Bắc Ninh, kết quả chỉ số PAPI cho thấy, dù tổng điểm và một số chỉ số thành phần tiếp tục được cải thiện và tăng bậc, song, nếu so sánh với năm 2022 thì một số chỉ số đang bị tụt bậc. Đơn cử, năm 2022, chỉ số về sự tham gia của người dân ở cơ sở của Bắc Ninh đạt 5,8174 điểm, xếp thứ 4 cả nước; năm 2023, tỉnh đạt 5,5334 điểm xếp thứ 5.

Chỉ số về quản trị môi trường năm 2022 đạt 3,7651 điểm, xếp thứ 11; năm 2023 xếp thứ 35 với 3,3818 điểm. Điều này cho thấy sự sụt giảm và thiếu ổn định của các chỉ số thành phần.

Bà Ramla Khadili, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho biết nhóm nghiên cứu PAPI 2023 đã tiến hành phỏng vấn gần 200.000 người dân trên 63 tỉnh thành.

Kết quả thu được cho thấy 3 nội dung nổi bật gồm:

Thứ nhất, độ hài lòng của những người được khảo sát về tham nhũng trong khu vực công đã được cải thiện. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn những khoản chung chi để có việc làm tại cơ quan nhà nước. Sự minh bạch trong ngân sách của chính quyền địa phương cũng cần cải thiện.

Thứ hai, có sự tiến bộ trong phòng chống tham nhũng trong quản trị công địa phương.

Thứ ba là vấn đề về đói nghèo, việc làm và tăng trưởng kinh tế. Mặc dù Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng kinh tế trong năm qua, nhưng vẫn có tỷ lệ người dân lo ngại về đời sống, cụ thể là đói nghèo (22,39%), việc làm (12,79%), tăng trưởng kinh tế (9,2%), chất lượng đường sá và giáo dục. Điều này cho thấy sự bi quan của người dân trước tình hình kinh tế năm 2023. Ngoài ra còn có những mối quan ngại về ô nhiễm môi trường và bảo hiểm y tế.

“Chính phủ Việt Nam cần xác định rõ các nhóm đối tượng, nhóm người yếu thế vốn ít nhận được sự thụ hưởng khi nền kinh tế Việt Nam phát triển, từ đó điều chỉnh để người dân có sự thụ hưởng đồng đều hơn, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo”, bà Ramla chia sẻ.

Cũng tại lễ công bố, các chuyên gia của nhóm nghiên cứu cho biết chỉ số PAPI tổng hợp năm 2023 dao động trong mức điểm từ 38,9 đến 46 trên thang điểm 80, vì thế các tỉnh thành vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện điểm số, kết quả xếp hạng.

Các địa phương cần cải thiện 5 yếu tố gồm: thực hiện niêm yết đầy đủ công khai kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất tại UBND xã; Áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vòi vĩnh, nhận hối lộ của công chức; Giảm thiểu tình trạng "vị thân" trong tuyển dụng nhân sự; Tập trung đầu tư công để cải thiện cơ sở vật chất, chất lượng bệnh viện công tuyến huyện; Cải thiện khả năng tiếp cận và độ thân thiện với người dùng của các cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công địa phương.

Trong 15 năm qua, gần 220.000 lượt người dân được chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc để tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công từ trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp thông qua nghiên cứu PAPI.

PAPI 2023 đo lường 8 chỉ số nội dung bao gồm: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử.

Dữ liệu PAPI được coi là nguồn thông tin cực kỳ hữu ích cho nghiên cứu và vận động chính sách. Các cấp chính quyền có thể tìm kiếm và áp dụng giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy để người dân tin tưởng hơn vào chính quyền, đồng thời đây cũng là diễn đàn mở để người dân tham gia đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền./.

Anh Tuấn