Bên bàn trà những ngày cuối tháng 6, mặc dù điều kiện thời tiết oi bức, khó chịu, chúng tôi vẫn quyết tâm tới thăm Cựu chiến binh, thương binh Vũ Văn Kim, tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Mặc dù đã 74 tuổi, nhưng khi nhắc tới những điều đặc biệt trong quá trình đấu tranh, hoạt động cách mạng của mình, CCB Vũ Văn Kim không khỏi xúc động. “Tôi được trở về đoàn tụ với gia đình, quê hương và có được cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ ơn Đảng, Nhà nước. Là người đã từng sống, đấu tranh trong 7 nhà giam, nhà tù của chế độ Mỹ- Ngụy, bản thân tôi được tận mắt chứng kiến và tận đáy lòng rất khâm phục những hành động anh hùng của nhiều chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, trong đó có liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Xô, người đồng chí, đồng đội, đồng hương, đồng cảnh lao tù với tôi”, ông Kim chia sẻ.

Đấu tranh trong chốn lao tù

 Tháng 5/1965, khi vừa thi đỗ tốt nghiệp cấp III, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Vũ Văn Kim (sinh ngày 12/8/1946; quê quán thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã viết đơn tình nguyện vào bộ đội và vinh dự được nhập ngũ ngày 31/5/1965. Sau 11 tháng huấn luyện, ngày 16/3/1966, đơn vị của Ông nhận lệnh vào Nam chiến đấu và Ông được biên chế vào đơn vị D10 đặc công thuộc tỉnh đội Bình Định. Ngày 9/10/1966, đơn vị của Ông phối hợp với quân chủ lực Trung đoàn Quyết thắng (Sư đoàn 3 Sao vàng) chiến đấu chống trận càn 5 mũi tên của địch mà Bình Định là một mũi quan trọng, Ông bị thương và bị địch bắt. Từ đây, cuộc đời binh nghiệp của Ông gắn liền với những năm tháng cùng đồng chí, đồng đội đấu tranh với quân thù trong chốn lao tù, nhưng cũng không kém phần cam go, quyết liệt và cả sự hy sinh.

Lãnh đạo tỉnh cùng các đại biểu tham quan Trưng bày về đồng chí Vũ Văn Kim.
(Nguồn: bacninh.gov.vn)


Khi bị bắt, Ông bị địch giam giữ qua7 trại giam, nhà tù: Phù Cát, Pleiku, Cần Thơ, Biên Hòa, Chí Hòa, Phú Quốc, Côn Đảo. Gần 7 năm 5 tháng bị địch giam giữ tù đày, Ông đã nếm đủ mọi đòn tra tấn dã man của quân thù: Xiềng xích, chuồng cọp, biệt giam, phơi nắng, đánh đập, khảo tra bằng búa, bằng chày, bằng vồ, bị bỏ đói, đổ xà phòng vào mũi… có những lúc gianh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh. Sau mỗi lần bị địch tra tấn, bản lĩnh, ý chí kiên cường, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng trong Ông không hề giảm sút mà ngày càng được tôi luyện và trở thành gang thép. Khi bị địch chuyển đến nơi giam giữ mới, Ông lại chủ động tìm đến tập thể, tổ chức Đảng trong nhà lao để được rèn luyện và đấu tranh. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của tập thể, của tổ chức Đảng trong nhà lao, Ông luôn hăng hái đi đầu trong các cuộc đấu tranh trực diện với bọn cai ngục, cùng các đồng chí, đồng đội tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền dân chủ, dân sinh, tổ chức đào hầm, vượt ngục, diệt ác trừ gian, chống hoạt động chiêu hồi, âm mưu “dùng tù trị tù”, chống địch kìm kẹp, o ép, khủng bố, giết hại tù binh… buộc địch phải nhượng bộ, chấp nhận các yêu cầu chính đáng của tù binh.

 Ngay từ những ngày đầu bị giam cầm tại trại giam Phù Cát (Bình Định), Ông đã chủ động vận động anh em trong phòng giam tổ chức đấu tranh phản đối hành động đê hèn của bọn lính Mỹ và Đại Hàn hãm hiếp chị em nữ tù binh đang bị giam tại phòng bên cạnh. Bị địch giam giữ tại nhà lao Pleiku, Ông đã chủ động cùng một số đồng chí cùng nhiệt huyết tìm đến tổ chức, tập hợp anh em thành lập Chi đoàn Thanh niên Cộng sản để tạo nòng cốt trong các đấu tranh chống địch đàn áp tù binh. Ở nhà tù vùng IV Cần Thơ, do nghi ngờ Ông là một trong những người cầm đầu tổ chức các cuộc đấu tranh phản đối chế độ lao tù hà khắc, Ông bị địch đưa đi tra tấn dã man, nhiều lần chết đi sống lại, nhưng một mực không khai báo điều gì, giữ trọn bí mật của tổ chức. Trong những ngày tháng bị địch giam giữ tại nhà tù Phú Quốc (từ 15/10/1967 đến 14/12/1971), với khả năng tập hợp anh em trong tù và bằng những hành động đấu tranh không khoan nhượng với quân thù, Ông được tổ chức Đảng nhà tù tin tưởng giao nhiệm vụ làm Phó Bí thư liên chi, Bí thư chi đoàn 4-C3. Ngày 26/4/1971, Ông vinh dự được Đảng ủy phân khu giam nhà lao Phú Quốc kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, với lời dặn dò: “Từ giờ phút này đồng chí được đứng trong hàng ngũ của Đảng, dù ở bất cứ đâu, khi gặp tổ chức Đảng, đồng chí hãy Báo cáo mình là đảng viên. Và tự nghĩ mình phải hành động xứng đáng là đảng viên…”.

 Do tự xung phong đứng ra nhận trách nhiệm trước kẻ địch trong vụ giết kẻ phản bội tại nhà tù Phú Quốc, Ông cùng 2tù binh khác bị địch tước quyền tù binh và bị đưa về Tòa án quân sự vùng IV chiến thuật Cần Thơ để xét xử về tội “cố sát”. Qua 3 phiên tòa xét xử, Ông cùng các đồng chí của mình đã biến phiên tòa thành nơi tố cáo tội ác của chế độ nhà tù Mỹ- Ngụy và bác bỏ mọi phán quyết kết tội của chính quyền Sài Gòn với những lý lẽ hùng hồn, thuyết phục; tại phiên tòa thứ 3, Ông được giảm án từ 20 năm tù (theo bản án của phiên xét xử lần thứ nhất) xuống còn 7 năm tù lưu đày biệt xứ. Gần 1 năm bị giam giữ ở nhà tù Côn Đảo, Ông cùng các tù binh khác từ nhà tù Phú Quốc chuyển ra thành lập chi bộ Đảng lấy tên là Chi bộ diệt ác Nguyễn Văn Trỗi và Chi đoàn diệt ác Nguyễn Văn Trỗi, hình thành lên mũi nhọn, châm ngòi cho các cuộc đấu tranh trong chốn lao tù. Điển hình là trận chiến đấu diễn ra ngày 11/7/1972 của 56 tù binh với đội cảnh sát trật tự gồm hơn 180 tên do Chín Khương (Trưởng an ninh Côn Đảo) chỉ huy. Mặc dù chỉ với tay không, Ông cùng các tù binh đã đánh bật bọn trật tự ra khỏi trại và phải thừa nhận toàn bộ hành động gây sự đàn áp tù binh, hứa không tái diễn, giải quyết thỏa đáng yêu cầu của tù binh. Tại khám Chí Hòa, Ông cùng các tù binh tổ chức đấu tranh chống không cho cảnh sát lừa đưa xuống phòng điện ảnh cùm chân tập thể, buộc Giám đốc khám phải nhượng bộ. Trong trại giam Biên Hòa, Ông cùng với các chiến sĩ diệt ác vận động, lãnh đạo tù binh đấu tranh phá ách kìm kẹp “dùng tù trị tù” của địch, buộc địch phải trả lại chế độ sinh hoạt với đúng nghĩa tù binh theo quy định. Ngày 29/9/1973, bị địch đưa về trại biệt giam Cần Thơ, Ông lại cùng các tù binh tổ chức các cuộc đấu tranh đòi chính quyền Sài Gòn thực hiện đúng Hiệp định Pari về trao trả tù binh chiến tranh.

 Sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tổ chức, đồng chí, đồng đội

 Vốn là chiến sĩ đặc công, vượt ngục ra ngoài trở về đơn vị tiếp tục cầm súng chiến đấu giết giặc lập công luôn là ý nguyện cháy bỏng đối với Ông. Trong suốt những năm tháng bị tù đày, Ông đã trực tiếp tham gia tổ chức các cuộc vượt ngục của tù binh. Khi bị giam giữ ở nhà tù Phú Quốc, bản thân Ông và đồng chí Phụng (huyện Quế Võ) đã dày công nghiên cứu và ít nhất một lần mạo hiểm ém mình trong thùng rác (thùng phi 200 lít cắt đôi) được phủ đầy rác bẩn, phân thối để tổ chức bố trí khiêng ra hố rác ngoài trại đổ rồi trốn vào rừng nhưng đã bị lỡ dở không thành. Nhưng sau đó cũng bằng hình thức này, tổ chức đã bố trí cho 2 đồng chí Trường (Hà Bắc) và Sơn (Nghệ An) trốn thoát, làm cho quân thù khiếp đảm, lo âu.

 Tại nhà tù Phú Quốc và trại biệt giam Cần Thơ, Ông được tổ chức giao phụ trách khâu kỹ thuật và trực tiếp tham gia đào 4 hầm (Phú Quốc 3 hầm; Cần Thơ 1 hầm) để tổ chức cho tù binh vượt ngục. Trong những lần tham gia đào hầm, do có sự chỉ điểm của kẻ phản bội, việc đào hầm bị lộ, với tinh thần quyết tử vì tập thể, vì tổ chức, đã 2 lần, Ông cùng với 2 đồng chí trong tổ nhận đào hầm tình nguyện xung phong đứng ra nhận trách nhiệm trước quân thù, chấp nhận xiềng xích, chuồng cọp, biệt giam, đòn thù… để giữ bí mật, bảo vệ tổ chức và tránh để kẻ địch lợi dụng sự việc gây hại cho đồng chí, đồng đội của mình.

 Cũng tại nhà tù Phú Quốc, được tổ chức giao nhiệm vụ là Tổ trưởng Tổ xung kích của Bộ phận diệt ác, Ông trực tiếp cùng đồng chí của mình 2 lần tiêu diệt những tên phản bội có nhiều nợ máu với tù binh và 1 lần cùng 2 đồng chí khác xung phong đứng ra nhận mọi trách nhiệm trước nhà cầm quyền rằng tự các ông đã giết kẻ phản bội. Cứ mỗi lần như vậy là Ông và đồng đội lại được bọn cai ngục nhà tù ban ơn bằng những trận đòn thù “thừa sống, thiếu chết”.

 Có lẽ sự kiện xung phong tự mổ bụng đấu tranh quyết tử tại nơi biệt giam Cần Thơ là bản hùng ca đầy bi thương nhưng cũng rất tráng lệ của người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày Vũ Văn Kim mà các đồng chí, đồng đội của Ông trực tiếp chứng kiến còn nhớ mãi và để lại sự khiếp đảm, nể phục cho quân thù. Ngày 2/3/1974, sau 7 ngày tuyệt thực để đấu tranh đòi nhà cầm quyền Sài Gòn thực hiện Hiệp định Pari, trao trả tù binh chiến tranh về với cách mạng, bất ngờ địch đưa hơn 40 quân cảnh ăn mặc giả lính quân y xông thẳng vào phòng biệt giam để đàn áp và phá cuộc đấu tranh. Với tinh thần xung phong quyết tử và có sự chuẩn bị từ trước của tổ chức, sau cái đưa mắt của đồng chí Xiêm - Bí thư Chi bộ, Ông đã bình tĩnh vịn cột nhà đứng dậy và dõng dạc tuyên bố: “Các người hãy nghe đây. Hiệp định Pari ký kết đến nay đã hơn một năm, đế quốc Mỹ và nhà cầm quyền Sài Gòn chẳng những không chịu trao trả chúng tôi về với Chính phủ cách mạng mà còn cố tình giết dần, giết mòn những tù binh yêu nước. Tôi tố cáo và cực lực phản đối chế độ nhà tù hà khắc. Chúng tôi đòi phải được trao trả ngay theo quy định…”. Ngay sau đó, Ông rút con dao nhỏ tự chế rạch lia lịa vào bụng, mỡ vàng và máu trào ra, rồi tất cả tối sầm lại và ngất lịm… Khi vẫn còn mơ màng, Ông nghe thấy tiếng thì thào của đồng đội nói bên tai: “Chúng nó đã chấp nhận yêu sách của mình rồi”. Và ngày 7/3/1974, Ông như được sinh ra một lần nữa khi mà quân thù phải đưa Ông cùng các đồng chí, đồng đội về sân bay Lộc Ninh để trả về với cách mạng. Được đồng đội khiêng trên băng ca, mảnh vải màn phủ trên bụng còn bê bết máu đỏ, hòa vào dòng người tràn ngập cờ giải phóng, trong Ông trào dâng niềm vui khôn tả.

 Đừng để lịch sử bị lãng quên

 Sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, với ước nguyện hoàn thành ước mơ giảng đường còn dang dở, Ông được tổ chức cho đi học văn hóa và thi đỗ vào khoa cơ điện của Trường Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội. Ra trường, Ông trở về địa phương tích cực công tác, giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Công nghiệp, huyện Thuận Thành cho đến khi được nghỉ hưu theo chế độ. Dù ở bất kỳ cương vị nào, Ông đều nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà tổ chức giao cho.

 Trở về với đời thường, Ông thường xuyên đi thăm hỏi, gặp gỡ đồng chí đồng đội của mình và Ông luôn canh cánh trong lòng vì nhiều đồng đội cuộc sống còn đầy gian truân. Những khi lật các trang nhật ký và hồi ký được viết ngay khi mới ra tù về những năm tháng tù đày đầy đau thương nhưng rất đỗi hào hùng mà Ông may mắn lưu giữ được và coi như báu vật, Ông lại suy nghĩ làm thế nào để giúp cho đồng chí, đồng đội sống những năm tháng ý nghĩa, xứng đáng với những tháng năm sẵn sàng hy sinh cả mạng sống, sức khỏe, tự do vì sự nghiệp cách mạng của Đảng. Và Ông đã cùng các đồng đội tâm huyết thành lập Ban liên lạc cựu tù binhđể có điều kiện gần gũi, chia sẻ với nhau những khi trái gió, trở trời và khó khăn đời thường.

 Năm 1999, được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Ban liên lạc cựu tù binh Phú Quốc tỉnh Bắc Ninh được thành lập, đến năm 2014 đổi tên thành Hội chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Bắc Ninh, Ông luôn được đồng đội tin yêu, tín nhiệm bầu làm Trưởng ban, Chủ tịch Hội. Với ý chí, tinh thần đã được thử thách, tôi luyện trong các trại giam, nhà tù của Mỹ - Ngụy, Ông luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động của tổ chức Hội. Ngoài công tác Hội, Ông còn tích cực tham gia công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ. Bởi theo Ông, đây là trách nhiệm không của riêng ai mà là của toàn xã hội. Ông tâm sự: “Tôi có niềm tin vào thế hệ trẻ ngày hôm nay cũng có hoài bão, ước mơ như thế hệ chúng tôi và các thế hệ cha ông đi trước. Nhưng để hoài bão, ước mơ đó thành hiện thực thì thế hệ trẻ rất cần phải có bản lĩnh, có nhận thức đầy đủ về tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông, nhất là niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng mà biết bao anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ. Thế hệ trẻ mà quên đi lịch sử thì coi như đã quên đi thú vui cuộc đời. Đừng để lịch sử bị lãng quên!”.

 Đúng như lời của cố Chủ tịch nước Võ Chí Công (khi ấy là Bí thư Khu ủy khu 5) khi đón tiếp những tù binh được địch trả về chính quyền cách mạng vào ngày 7/3/1974 tại sân bay Lộc Ninh: Các đồng chí xứng đáng là Hạt giống đỏ của tù binh Phú Quốc”./.

Lưu Tuấn - Đức Dương,
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh,
lược ghi theo lời kể và tài liệu do Cựu tù binh Vũ Văn Kim cung cấp