Một quầy bán thực phẩm ăn nhanh cho học sinh gần cổng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Bắc Ninh). 

Thành phố Bắc Ninh hiện có gần 1.800 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Từ năm 2011 đến 2017, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP của thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra gần 1.200 lượt cơ sở, chuyển Công an và Đội Quản lý thị trường số 1 thành phố xử phạt 85 lượt cơ sở với tổng số tiền gần 157 triệu đồng, các lỗi vi phạm chủ yếu là: Không có giấy khám sức khỏe định kỳ, đã hết hạn hoặc không có giấy xác nhận kiến thức về ATTP, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có đủ thiết bị, biện pháp phòng chống côn trùng và động vật gây hại theo quy định, niêm yết giá hàng hóa không rõ ràng, kinh doanh một số mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… Các đoàn thanh tra, kiểm tra cũng tiêu hủy tại chỗ 30kg bánh, 35 chiếc bánh trung thu chay, 20kg đồ ăn trẻ em, 150 chiếc bánh dẻo loại 200g, 150 chiếc bánh nướng loại 200g, 5kg bò khô, 50kg đậu phộng và 20kg ngô cay, 50kg hạt hướng dương, 10 gói mứt Tết… không rõ nguồn gốc xuất xứ; tạm đình chỉ 1 cơ sở sản xuất bánh ngọt và 3 cơ sở dịch vụ ăn uống chưa có các thủ tục hành chính liên quan đến việc kinh doanh.

Hoạt động bảo đảm ATTP, kiểm soát thực phẩm bẩn cũng ghi nhận nhiều kết quả đáng khích lệ. Năm 2016,  UBND xã Hòa Long kiểm tra, lập biên bản xử phạt 1 cơ sở sản xuất mỡ tại thôn Đẩu Hàn 5 triệu đồng, Đoàn thanh tra ATTP của thành phố phúc tra và yêu cầu cơ sở ngừng hoạt động. Trong năm 2017, Đội Quản lý thị trường số 1 thành phố Bắc Ninh phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hóa vào thành phố và xử phạt vi phạm hành chính 9 vụ với tổng số tiền gần 53 triệu đồng, tịch thu 2.400 chai bia Sting Tao, tiêu hủy 1.200kg  lòng lợn, 1.510 kg mỡ lợn bốc mùi hôi thối; phối hợp với Đội Cảnh sát môi trường (Công an thành phố) xử phạt vi phạm hành chính 2 vụ với tổng số tiền 7 triệu đồng, tiêu hủy 2.353kg mỡ lợn bốc mùi hôi thối, tiêu hủy 840 con chim không có giấy chứng nhận kiểm dịch…

Những con số đó đủ để nói lên nguy cơ mất ATTP từ thực phẩm bẩn đối với cộng đồng. Mặc dù các ngành Y tế, Công thương và Nông nghiệp thành phố đã thực hiện nhiều công tác chuyên môn về ATTP trong thời gian qua song trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: Công tác truyền thông chưa đồng bộ, thiếu đa dạng, trình độ của cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về ATTP còn hạn chế, chưa có biện pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả đối với thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm lưu thông trên thị trường…

Thực trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: Sự vào cuộc của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, nhất là tuyến xã, phường chưa thực sự quyết liệt và thường xuyên; thiếu cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về ATTP (hiện 16/19 xã, phường, chưa có cán bộ chuyên trách và cộng tác viên về ATTP); chưa có thanh tra chuyên ngành về ATTP tại tuyến thành phố; ý thức trách nhiệm của người dân trong thực hiện bảo đảm ATTP chưa cao; trang thiết bị phục vụ cho công tác xét nghiệm nhanh còn thiếu và yếu…

Kế hoạch thực hiện “Thành phố Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn” được UBND Thành phố Bắc Ninh ban hành cuối tháng 3 vừa qua, phấn đấu đến năm 2020 thành phố cơ bản không còn tình trạng thực phẩm bẩn với nhiều mục tiêu cụ thể: 100% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người quản lý và người tiêu dùng được thường xuyên tiếp cận với các thông tin về ATTP; xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất thực phẩm an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm an toàn (100% nông dân trồng rau thực hiện cam kết sản xuất rau an toàn, 100% cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ thực hiện cam kết chăn nuôi an toàn, 100% cơ sở kinh doanh nông sản, thủy sản tại các chợ phải kê khai và niêm yết nguồn gốc xuất xứ); đến năm 2020, thành phố xây dựng được từ 2-3 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; phần lớn các xã, phường xây dựng được từ 1-2 điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; xây dựng, triển khai có hiệu quả một số mô hình sản xuất các vùng nông sản thực phẩm an toàn theo mô hình VietGAP kết hợp phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; phối hợp hỗ trợ triển khai 10-12 cửa hàng bán thực phẩm an toàn; hỗ trợ và khuyến khích 50% số hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống và chín bằng thiết bị tủ mát; ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính…

Với những mục tiêu rõ ràng như vậy, cộng với các nhiệm vụ và nhiều nhóm giải pháp thực hiện như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân trong công tác bảo đảm ATTP; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng về bảo đảm ATTP; Kiện toàn hệ thống tổ chức - bộ máy, cán bộ quản lý ATTP tuyến thành phố và các xã, phường, mạng lưới cộng tác viên ATTP thôn, khu phố; bảo đảm ATTP trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trong sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa; bảo đảm điều kiện phục vụ công tác quản lý ATTP, hỗ trợ trang thiết bị cho cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn… Tin rằng công tác bảo đảm ATTP ở thành phố Bắc Ninh trong những năm tới đây sẽ có nhiều chuyển biến tích cực và lợi ích lớn nhất mà người dân sẽ được hưởng là không phải sử dụng thực phẩm mất an toàn, không rõ nguồn gốc./.

Theo Báo Bắc Ninh