Bắc Ninh thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao về việc gắn phát triển công nghiệp
với quan tâm nâng cao đời sống người lao động. Ảnh TL
Được biết đến là tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ nhất cả nước với trên 822 km2, tài nguyên không có gì đặc biệt, nhưng Bắc Ninh lại là địa phương có nhiều mô hình hay để các địa phương khác học hỏi. Sự năng động, sáng tạo và đoàn kết; sự chỉ đạo quyết liệt và tinh thần cầu thị của lãnh đạo tỉnh đã và đang góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của địa phương. Đồng thời, Bắc Ninh cũng là địa phương đã chủ động triển khai khá tốt các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Thông tin tại cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ mới đây, đại diện UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, từ ngày 1/1/2017 đến ngày 15/5/2018, trong số 271 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bắc Ninh thì tỉnh đã hoàn thành đúng hạn 198 việc; có 11 nhiệm vụ hoàn thành nhưng quá hạn; còn 62 nhiệm vụ (chưa đến thời gian báo cáo) đang được tỉnh Bắc Ninh tập trung chỉ đạo thực hiện.
Tìm hiểu được biết, trong thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, với chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo phát triển và phục vụ, Bắc Ninh có những bước đi đột phá, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Cụ thể, tính đến hết tháng 5/2018, tỉnh Bắc Ninh đã thu hút được hơn 1200 dự án FDI với số vốn đăng ký 16,4 tỷ USD. Sáu tháng đầu năm 2018, kinh tế tiếp tục tăng trưởng mức cao, đạt 17%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 13.673 tỷ đồng, tương đương 57,3% dự toán năm, tăng 21,7% so cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 10.841 tỷ đồng, đạt 60,4% dự toán năm, tăng 24%. Những kết quả trong phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2018 đã đóng góp vào kết quả chung của nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh XIX, nhiều nội dung đã vượt mức chỉ tiêu Đại hội; tạo động lực để xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc T.Ư vào năm 2022.
Về công tác cải cách hành chính (CCHC), kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) từ năm 2015 đến năm 2017, tỉnh Bắc Ninh đã cắt giảm thời gian thực hiện của 301 TTHC thuộc các sở, ngành (tỉ lệ cắt giảm thời gian thực hiện từ 20%-80%). Năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh đã ban hành 23 quyết định công bố với tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh là 1.697 TTHC. Bắc Ninh là tỉnh được Thủ tướng cho phép thí điểm thành lập Trung tâm Hành chính công trực thuộc UBND tỉnh từ tháng 5/2017 và có 34/196 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan TƯ đóng trên địa bàn được tiếp nhận, giải quyết. 8/8 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Trung tâm hành chính công; 100% TTHC có điều kiện thực hiện, đã thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích. Bắc Ninh cũng coi trọng nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công, đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ công và hoạt động của cơ quan Nhà nước; thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp và người dân. Trong 6 tháng đầu năm 2018, UBND tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức 3 cuộc đối thoại với doanh nghiệp với tinh thần thẳng thắn, thân thiện, lắng nghe, góp phần giải quyết dứt điểm khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Theo đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bắc Ninh là đơn vị thí điểm thứ 2 của cả nước xây dựng mô hình Trung tâm hành chính công trực thuộc UBND tỉnh. Trung tâm đã giải quyết thủ tục hành chính cho người dân bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, cắt giảm thời gian làm thủ tục rất nhiều và rất minh bạch. Đây là nỗ lực loại bỏ những quyền lợi của các sở ngành để tập trung giải quyết thủ tục cho người dân.
Bắc Ninh luôn làm tốt việc đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh.
Ảnh TL
Bên cạnh đó, một điểm nổi bật trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế gắn với thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao ở Bắc Ninh đó là tỉnh đã mạnh dạn thực hiện nhiều điểm mới có ý nghĩa đột phá. Đặc biệt, từ sau năm 2015, cùng với việc đánh giá kết quả kinh tế - xã hội 20 năm tái lập tỉnh (1995 - 2015), Bắc Ninh đã có quyết sách định dạng chiến lược chuyển đẳng cấp phát triển trong những năm tiếp theo. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc đề ra các chủ trương đột phá, tận dụng thời cơ, xây dựng Đề án Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc T.Ư vào năm 2022; triển khai bước đi tích cực xây dựng đô thị thông minh; rà soát điều chỉnh quy hoạch chung đô thị lõi, quy hoạch phân khu, điều chỉnh quy hoạch chung nông thôn mới tại các địa phương gắn với quy hoạch phát triển đô thị; điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh phấn đấu đưa tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh lên gần 40% vào cuối năm 2018. Đồng thời, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Theo thống kê, đến cuối tháng 5/2018, số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 73/97, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn là 18,51 tiêu chí/xã, tăng 1,23 tiêu chí/xã so với cùng kỳ và tăng 0,26 tiêu chí/xã so với cuối năm 2017. Do đó, đến nay đời sống người dân tại các huyện, thị xã, thành phố của Bắc Ninh đã có bước phát triển rõ rệt so với những năm trước đây.
Đồng thời, Bắc Ninh cũng đã có những nỗ lực lớn trong giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống công nhân tại các khu công nghiệp (KCN). Đến đầu năm 2018, toàn tỉnh Bắc Ninh có gần 300 nghìn lao động đang làm việc tại các KCN, trong đó lao động là người địa phương chiếm hơn 26%; lao động nữ chiếm 65,4%. Trong số khoảng 100 nghìn lao động ngoại tỉnh có nhu cầu về nhà ở thì tỉnh đã phối hợp giải quyết được khoảng 30%, số còn lại đang thuê trọ trong khu dân cư; có 50% số lao động ngoại tỉnh có xe của doanh nghiệp đưa đón. Các cơ quan chức năng đã lập quy hoạch và xây dựng các tuyến xe buýt chạy qua các KCN tập trung để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và công nhân KCN.
Trao đổi về những kết quả đã đạt được, đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cho biết, những năm qua, trong thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ. Đó là động lực quan trọng để chúng tôi triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đó. Đặc biệt, nhiều đề xuất của Bắc Ninh liên quan đến cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài, thí điểm triển khai mô hình Trung tâm hành chính công, Ban Quản lý an toàn thực phẩm… cũng đã được Chính phủ giải quyết kịp thời; qua đó giúp tỉnh tranh thủ được các cơ hội để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội.
Được biết trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại; phát triển dịch vụ theo hướng văn minh, phát triển dịch vụ trong các khu công nghiệp; bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử và các loại hình văn hóa phi vật thể vốn có của địa phương. Đối với các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, lãnh đạo tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo đôn đốc từng công việc, nhiệm vụ, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Bắc Ninh sẽ tập trung làm tốt hơn nữa dịch vụ phát triển cho công nghiệp; Quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; quan tâm giải quyết những tồn tại ở làng nghề và các cụm công nghiệp. Đồng thời, chú trọng nắm bắt và xử lý tốt 4 vấn đề đã được Thủ tướng lưu ý đó là: Quan tâm cho môi trường phát triển bền vững, không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường sống; Việc tranh chấp đất đai, quy hoạch, quản lý đô thị; Giải quyết triệt để đơn thư khiếu nại tố cáo của người dân; quan tâm đến các vấn đề an sinh và trật tự an toàn xã hội.
Theo đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao gắn với duy trì, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội là cơ sở để Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Ninh tiếp tục nâng cao đời sống người dân cũng như nhanh chóng hiện thực hóa Đề án đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022./.