Phối cảnh tổng thể dự án Khu nhà ở xã hội Đông Dương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu trong lễ khởi công một dự án nhà ở xã hội rằng: "An cư mới lạc nghiệp. Xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, chúng ta phải chung sức, đồng lòng tìm ra lời giải có hiệu quả nhất để triển khai xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội khang trang, đẹp đẽ, bảo đảm vệ sinh môi trường, giá cả phải chăng, phù hợp với người có thu nhập thấp". Song song với việc mở rộng thu hút đầu tư xây dựng các dự án nhà ở thương mại, tỉnh Bắc Ninh đã và đang có những chính sách và kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, đẩy nhanh việc xây dựng để giải quyết vấn đề nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp.

Luỹ kế từ năm 2010 đến nay, tỉnh Bắc Ninh có 51 dự án nhà ở xã hội đã có chủ trương đầu tư và đang triển khai xây dựng, với tổng diện tích đất khoảng 156,58 ha, tổng diện tích sàn khoảng 3.931.992 m2, với khoảng 46.462 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 182.595 người. Cụ thể, có 22 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với tổng diện tích đất khoảng 106.59 ha, tổng diện tích sàn khoảng 2.494.356 m2, với 30.894 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 107.221 công nhân. Trong đó, 7 dự án đã hoàn thành và đang xây dựng, 15 dự án chuẩn bị đầu tư xây dựng với diện tích đất khoảng 85.77 ha. Số dự án  nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp khác là 29 dự án với tổng diện tích đất khoảng 49.99 ha, tổng diện tích sàn khoảng 1.527.636 m2, với khoảng 15.568 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 75.374 người; trong đó có 21 dự án đã hoàn thành và đang xây dựng với tổng diện tích đất khoảng 26.5 ha và 8 dự án chuẩn bị đầu tư xây dựng với diện tích đất khoảng 23.49 ha.

Là địa phương có số khu công nghiệp hoạt động nhiều nhất miền Bắc, tỉnh Bắc Ninh  với mô hình phát triển công nghiệp gắn với đô thị tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho những khu vực xung quanh các KCN tập trung mục đích phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp để đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đảm bảo cung cấp các dịch vụ như nhà ở, thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế, hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao, các dịch vụ tiện ích đô thị,... nhằm khai thác và kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo bộ khung quy hoạch. Tỉnh Bắc Ninh đã và đang thu hút đầu tư hiệu quả các KCN tập trung như KCN Tiên Sơn, KCN VSIP, KCN Yên Phong, KCN Quế Võ,…

Thực hiện Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"; tỉnh Bắc Ninh được giao đầu tư xây dựng 30.671 căn hộ trong giai đoạn 2021-2025 và 41.514 căn hộ trong giai đoạn 2026-2030. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện thị xã, thành phố phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở công nhân là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục sớm nhất có thể.

Về quy hoạch xây dựng, đối với các khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc từ 5 ha trở lên tại các đô thị loại II và loại III phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội dễ dẫn đến phá vỡ quy hoạch, không tạo được bộ mặt khang trang, thống nhất, hiện đại tại khu vực đô thị gắn với tổ chức cung cấp dịch vụ đô thị phù hợp với thu nhập của các nhóm dân đô thị.

Về đối tượng hưởng chính sách, theo quy định tại Điều 49, 50, 51 Luật Nhà ở: Nhóm đối tượng “Hộ gia đình có thu nhập thấp, hộ nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn” chỉ được hỗ trợ theo các chương trình mục tiêu về nhà ở mà không được mua/thuê/thuê mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội. Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay, các nhóm đối tượng này có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng không được mua/thuê/thuê mua.

Cũng quy định tại Luật Nhà ở 2014, đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Nhưng trên thực tế, công nhân phải nộp thuế thu nhập cá nhân thường do làm tăng ca, làm thêm giờ…, nhằm tăng nguồn thu. Như vậy, không thoả mãn với điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ mua nhà ở xã hội.

Chồng chéo khái niệm nhà ở công nhân và nhà ở xã hội tại khu công nghiệp. Theo đó, khái niệm “Nhà ở xã hội tại khu công nghiệp” được định nghĩa tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP: “Nhà ở xã hội tại khu công nghiệp là nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu của hộ gia đình, cá nhân làm việc tại khu công nghiệp”. Với khái niệm này, đối tượng được thụ hưởng nhà ở công nhân đang rất vướng mắc và không đảm bảo công bằng với các đối tượng làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp bên ngoài khu công nghiệp.

Về hành lang pháp lý cho doanh nghiệp, Khoản 2 Điều 53 Luật Nhà ở xác định hình thức "Doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ vốn mua, thuê nhà ở để cho người lao động trong đơn vị mình thuê" là một hình thức phát triển nhà ở xã hội và nhu cầu của ác doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp FDI) có nhu cầu thuê/mua nhà ở xã hội cho công nhân của mình là rất lớn, nhưng không thể thực hiện được do chưa có hành lang pháp lý cho hình thức phát triển này.

Về thẩm định giá bán, theo quy định của pháp luật về nhà ở xã hội, việc thẩm định giá bán/cho thuê/cho thuê mua nhà ở xã hội được thực hiện 01 lần và không có quy định về việc thẩm định điều chỉnh/bổ sung. Phần lớn các dự án nhà ở xã hội đều thực hiện thẩm định giá ởi giai đoạn thi công xong phần móng tuy nhiên, chi phí dự phòng được xác định ở thời điểm thẩm định giá không đủ cho yếu tố trượt giá do giá vật liệu xây dựng nói riêng và chỉ số giá xây dựng nói chung tăng nhanh, dẫn đến chi phí xây dựng công trình tăng, nếu không được thẩm định điều chỉnh giá sẽ gây khó khăn rất lớn cho các chủ đầu tư.

Về bất cập cung và cầu, có một nghịch lý đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh là nhiều dự án nhà ở xã hội phục vụ khu công nghiệp dù đã hoàn thiện nhưng hiện vẫn bỏ trống, số lượng các căn hộ còn tồn nhiều gây khó khăn cho chủ đầu tư. Theo số liệu khảo sát chỉ có 0,17% lượng công nhân có nhu cầu đăng ký mua/thuê nhà ở tại dự án, trong khi nhu cầu về nhà ở của các nhóm đối tượng xã hội khác đủ điều kiện là rất cao, nhưng không được mua/thuê nhà tại các dự án này. Tại các địa bàn không có các dự án nhà ở xã hội khác sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa về nhà ở cho công nhân nhưng thiếu nhà ở xã hội cho các nhóm đối tượng khác.

Bên cạnh đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội khó khăn dẫn đến tiến độ thực hiện dự án chậm. Sở Xây dựng Bắc Ninh kiến nghị UBND tỉnh để đề xuất với Chính phủ và các bộ ngành liên quan xem xét và điều chỉnh những quy định, cơ chế chính sách sao cho phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế ở địa phương, tháo gỡ bớt rào cản để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội: Đề nghị giao UBND tỉnh căn cứ đồ án quy hoạch chung được phê duyệt, yêu cầu các chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội đảm bảo đáp ứng theo nhu cầu được xác định trong chương trình phát triển nhà ở, chương trình phát triển đô thị được phê duyệt; đề nghị yêu cầu nộp bằng tiền với giá trị tương đương vào ngân sách nhà nước đối với các khu vực là bộ mặt đô thị để phát triển nhà ở xã hội, thay thế cho việc để dành quỹ đất; bổ sung nhóm đối tượng là người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn được mua/thuê nhà ở xã hội; Bộ Xây dựng thống nhất với Bộ Tài chính để hướng dẫn về nội dung xác minh đối tượng liên quan đến thuế thu nhập cá nhân thường xuyên; Bộ Xây dựng nghiên cứu, điều chỉnh quy định về thẩm định giá bán/cho thuê/cho thuê mua nhà ở xã hội, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế; cho phép bổ sung các đối tượng được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội theo Điều 49 của Luật Nhà ở được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân trên địa bàn tỉnh

Để đẩy nhanh tiến độ, khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội, UBND tỉnh đưa ra hướng giải quyết là phân nhóm vướng mắc cụ thể và giao trách nhiệm trực tiếp cho các sở, ngành chủ trì tháo gỡ đối với các nhóm vướng mắc thuộc chức năng, lĩnh vực của đơn vị; báo cáo kết quả trực tiếp cho UBND tỉnh. Ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh cho biết: ”Sở Xây dựng tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Bắc Ninh rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu nhà ở, khu đô thị, các khu nhà ở xã hội tập trung, nhằm thu hút đầu tư xây dựng các khu nhà ở công nhân với quy mô hàng chục ha được xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hướng tới thúc đẩy không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, thúc đẩy đô thị hóa hướng tới mục tiêu đáp ứng tiêu chí trở thành, thành phố trực thuộc Trung ương. Hỗ trợ thủ tục hành chính cho các dự án đầu tư nhà ở xã hội, yêu cầu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý hồ sơ của tất cả các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư nhà ở xã hội. Đặc biệt có những dự án giảm tới 50%, thậm chí 60% thời gian xử lý hồ sơ, giúp các chủ đầu tư tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí đẩy nhanh tiến độ xây dựng”.

Ngoài ra, UBND tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền các đường lối, chính sách và quy định của pháp luật về nhà ở xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, trong đó tập trung rà soát, cụ thể hóa các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng; đánh giá, xác định nhu cầu về nhà ở của công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, đề xuất các dự án phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân trong các khu công nghiệp phù hợp với kế hoạch phát triển khu công nghiệp trong từng giai đoạn; kịp thời tháo gỡ khó khăn và xử lý những sai phạm (nếu có) trong quá trình triển khai.

Tập trung vào công tác xây dựng và phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn hiện nay là việc làm rất cần thiết không chỉ ở địa bàn tỉnh Bắc Ninh mà còn trên cả nước, bởi đây không chỉ bảo đảm an cư, cải thiện đời sống cho người dân, góp phần ổn định xã hội, mà còn thúc đẩy đầu tư, tạo động lực tích cực đến phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững, toàn diện./.

ND (TH)