Bộ mặt nông thôn mới của huyện Gia Bình ngày càng khởi sắc. (Ảnh: DC).
Là “điểm sáng” về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Gia Bình đã luôn sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, nguồn vốn do ngân sách nhà nước cấp được huyện phân bổ, quản lý, sử dụng đúng nguyên tắc, đúng mục đích, đúng đối tượng là nguồn lực chủ yếu đầu tư, hỗ trợ các xã, thôn, xóm. Ngân sách cấp huyện ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí trường học, giao thông, kênh mương nội đồng, sân vận động, nhà văn hóa xã, thôn, xóm và trạm y tế và đầu tư phát triển sản xuất. Nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình ưu tiên công trình phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh thiết yếu như nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, trường học, giao thông và trạm y tế... Nhờ vậy, quá trình xây dựng nông thôn mới, rất nhiều địa phương ở Gia Bình đã về đích sớm. Sau khi huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, sang năm 2019 UBND huyện Gia Bình đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Gia Bình sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí cấp xã, huyện nông thôn mới với các phương châm phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới theo định hướng bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, có từ 6 - 7 xã nông thôn mới nâng cao, 2 - 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Chị Nguyễn Thị Hương ở xã Quỳnh Phú chia sẻ: “Hơn 30 năm gắn bó với quê hương, chưa khi nào tôi thấy Quỳnh Phú phát triển như hiện nay. Quá trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại cho người dân cơ hội để phát triển mọi mặt đời sống; đồng thời, cũng mở mang hệ thống các công trình an sinh xã hội để mọi người được thụ hưởng nhiều hơn kết quả phát triển của địa phương”.
Nhìn rộng ta toàn tỉnh Bắc Ninh, không chỉ riêng Gia Bình mà khu vực nông thôn của các huyện, thị xã, thành phố khác trên miền quê Kinh Bắc đều đã có sự “thay da đổi thịt” cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới. Ngay khi bắt đầu triển khai, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh đã xác định rõ: Xây dựng Nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, vì mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững cả về vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, gắn với quá trình đô thị hoá, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, đưa các vùng nông thôn thành nơi đáng sống. Đến nay, tất cả 94 xã của Bắc Ninh đã đạt chuẩn nông thôn mới, bảy trong tổng số tám đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước phát triển nhanh theo hướng đô thị hóa, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh không có tình trạng nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Bắc Ninh đã hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, sớm hơn 24 tháng so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ 19 (giai đoạn 2015 - 2020) đề ra.
Mô hình “Đường hoa nông thôn” của phụ nữ tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: AK).
Phát huy kết quả đạt được ở giai đoạn đầu 10 năm xây dựng Nông thôn mới, tỉnh nhanh chóng ban hành Bộ tiêu chí xã Nông thôn mới nâng cao, với quyết tâm thực hiện các mục tiêu cứng đến năm 2025: 50% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 30% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu; ít nhất 50 mô hình khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu; 2 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, vì sự phát triển hài hoà, bền vững chung của tỉnh.
Để sớm hiện thực hóa những mục tiêu nói trên, Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng Nông thôn mới. Ưu tiên hình thành, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thu mua, kết nối, cung ứng, chế biến nông sản hiện đại gắn với vùng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn. Phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm phát huy lợi thế địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên của vùng. Đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn, đẩy mạnh hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất gắn với nhu cầu của thị trường. Bảo đảm các yếu tố an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, tỉnh cũng sẽ có kế hoạch bố trí nguồn lực, ưu tiên nhiệm vụ trọng tâm về phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, bảo đảm sự kết nối nông thôn- thành thị, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch sinh thái nông thôn. Tăng cường thực hiện các giải pháp huy động nguồn nhân lực, vật lực trong dân theo nguyên tắc tự nguyện, thống nhất cao, tạo sức mạnh đại đoàn kết trong toàn dân về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu...