Nghề cô đúc nhôm tại xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Tỉnh Bắc Ninh hiện có 62 làng nghề, trong đó có 30 làng nghề thủ công truyền thống, nổi bật như: làng nghề gỗ Đồng Kỵ, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái, chạm khắc gỗ Phù Khê. Hiện các làng nghề có trên 28.000 hộ tham gia, với gần 74 nghìn lao động làm nghề, tạo ra sản phẩm hàng hóa trên 12.000 tỷ đồng/năm, mang lại thu nhập ổn định hơn 8 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, hiện nay, địa bàn tỉnh có nhiều làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ở mức "báo động đỏ" như làng nghề giấy Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, làng nghề giấy Phú Lâm, huyện Tiên Du, làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong…
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, hầu hết các làng nghề trên địa bàn tỉnh đều chưa đáp ứng được các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định, các cơ sở sản xuất trong các làng nghề cơ bản không đầu tư xây dựng các công trình xử lý đối với các loại chất thải phát sinh. Môi trường không khí tại một số khu vực làng nghề bị ô nhiễm nặng (làng nghề thép Châu Khê và làng nghề giấy Phong Khê). Chất thải của các làng nghề làm ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, đất và không khi khu vực, điển hình như làng nghề tái chế nhôm Văn Môn và làng nghề giấy Phong Khê.
Hiện nay, đa số các làng nghề trong tỉnh có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, dây chuyền công nghệ thủ công, lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu, cho nên tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe người dân. Mặt khác, do chưa có quy hoạch tổng thể nên các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong vùng dân cư, thiếu mặt bằng sản xuất; đa số các làng nghề chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom và xử lý nước thải nên có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước mặt cục bộ tại địa phương. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh hạn chế, thiết bị công nghệ chế biến thô sơ, số cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại còn ít.
Tại một số làng nghề, hành vi xả trộm nước thải ra môi trường vẫn còn song khó phát hiện và xử lý dứt điểm; vẫn còn những trường hợp chưa chấp hành, có hiện tượng làm hệ thống xử lý môi trường chỉ để đối phó với đoàn kiểm tra; tình trạng cơ sở sản xuất lén lút hoạt động vào ban đêm, tự tháo niêm phong hoạt động gây bức xúc trong nhân dân…
Ông Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, phù hợp thực tiễn cơ sở, nhằm vừa đáp ứng nguyện vọng của cả người dân và doanh nghiệp, vừa giải quyết căn bản, căn cơ công tác bảo vệ môi trường.
Theo ông Nguyễn Đình Phương, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách đầu tư, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm trung chuyển đến khu xử lý và kinh phí xử lý; nhân dân đóng góp kinh phí thu gom, vận chuyển từ hộ gia đình đến điểm trung chuyển theo quy định. Đối với khu vực làng nghề, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải rắn tồn đọng từ trước đến thời điểm dự án được UBND tỉnh phê duyệt.
Với các khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các địa phương nâng cấp lên đô thị và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong đó, các dự án do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư được giao đất đã giải phóng mặt bằng, miễn tiền thuê đất theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ khác sau khi đầu tư hoàn thành theo các quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đầu tư xử lý làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đối với các đô thị trên địa bàn các huyện chưa có hệ thống xử lý, lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với các cụm công nghiệp hiện đã đi vào hoạt động. Đồng thời, bố trí nguồn vốn cho đầu tư các công trình xử lý môi trường khu vực nông thôn, làng nghề, giải quyết các vấn đề môi trường tồn đọng.
Tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải giai đoạn I công suất 5.000 m3/ngày đêm tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh; làng nghề bún Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh được đầu tư hệ thống xử lý nước thải công suất 400 m3/ngày đêm; đưa vào vận hành giai đoạn 1 nhà máy xử lý nước thải ở thành phố Từ Sơn với công suất 33.000 m3/ngày đêm.
UBND tỉnh đã cho phép UBND huyện Yên Phong triển khai Dự án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tồn đọng tại làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn; dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải làng nghề Mẫn Xá với diện tích 3,8 ha; đầu tư xây dựng cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá để di chuyển các cơ sở trong làng nghề ra cụm công nghiệp./.