(ĐCSVN) - Với những giải pháp đồng bộ, hợp lý, nửa đầu năm 2018 khéo lại đánh dấu nhiều bước phát triển mạnh mẽ của kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh…


Khu công nghiệp Tiên Sơn, một “điểm sáng” trong thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Ninh. Ảnh baobacninh.com.vn

Ngay từ đầu năm 2018, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành cùng các địa phương chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2018, Bắc Ninh đã thu hút được hơn 1200 dự án FDI với số vốn đăng ký 16,4 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2018, kinh tế tiếp tục tăng trưởng mức cao, đạt 17%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ước 13.673 tỷ đồng, đạt 57,3% dự toán năm, tăng 21,7% so cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 10.841 tỷ đồng, đạt 60,4% dự toán năm, tăng 24%, nhiều chỉ tiêu đã vượt mức mục tiêu Đại hội. Tính chung 6 tháng đầu năm ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao, tổng giá trị sản xuất đạt 476.892 tỷ đồng, tăng 22% so cùng kỳ. Những kết quả trên đã thực sự tạo động lực để xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc T.Ư vào năm 2022.

Bắc Ninh đồng thời cũng là địa phương triển khai một cách tích cực vấn đề xây dựng đô thị thông minh; rà soát điều chỉnh quy hoạch chung đô thị lõi, quy hoạch phân khu, điều chỉnh quy hoạch chung Nông thôn mới tại các địa phương gắn với quy hoạch phát triển đô thị; điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh phấn đấu đưa tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh lên gần 40% vào cuối năm 2018. Đến nay, đã có 73/97 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; bình quân số tiêu chí đạt chuẩn là 18,51 tiêu chí/xã, tăng 1,23 tiêu chí/xã so với cùng kỳ và tăng 0,26 tiêu chí/xã so với cuối năm 2017. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước 4.922 tỷ đồng, đạt 56,3% kế hoạch năm. Trao đổi với báo chí, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh, đồng chí Nguyễn Hữu Quất khẳng định, trong mọi hoạt động từ thu hút vốn đầu tư, quy hoạch phát triển…, Bắc Ninh luôn đặt người dân vào vị trí trung tâm và hướng đến mục tiêu cao nhất là phát triển mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.

Coi trọng hiệu quả thực chất của sự phát triển, Bắc Ninh cũng thường xuyên đầy mạnh việc nâng cao chất lượng quản trị hành chính công, đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ công và hoạt động của cơ quan Nhà nước; công bố Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số Năng lực cạnh tranh; triển khai đánh giá độc lập về mức độ hài lòng đối với dịch vụ y tế công, dịch vụ công tại Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp và người dân. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổ chức 3 cuộc đối thoại với doanh nghiệp với tinh thần thẳng thắn, thân thiện, lắng nghe, góp phần giải quyết dứt điểm khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Sau đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã cam kết đồng hành, tiếp nhận và trực tiếp trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp. Qua đó môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục được cải thiện, dòng vốn đầu tư tiếp tục tịnh tiến vào tỉnh. Ông Nguyễn Nhân Phượng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay, việc tổ chức các cuộc đối thoại có ý nghĩa lớn trong hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.


Ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Ảnh: baobacninh.com.vn

Tính đến nay, Bắc Ninh đã thu hút 96 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 212 triệu USD và điều chỉnh vốn cho 60 dự án, số vốn tăng thêm 458,7 triệu USD. Cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 73 dự án và cấp điều chỉnh vốn 48 dự án trong nước, tổng vốn cấp mới và điều chỉnh là 17.781 tỷ đồng. Thành lập mới 1.003 doanh nghiệp, 309 chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh với tổng vốn đăng ký 7.303 tỷ đồng. Hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phát triển an toàn, ổn định, bảo đảm tốt khả năng thanh khoản. Tổng nguồn vốn huy động 90.500 tỷ đồng, dư nợ cho vay 72.500 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối năm 2017, nợ xấu chiếm 0,87%.

Có thể thấy, bức tranh kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh Bắc Ninh xuất hiện khá nhiều “điểm sáng” với những chỉ số cụ thể. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, do nhiều nguyên nhân nên tăng trưởng 6 tháng cuối năm sẽ xu hướng chậm lại. Vì vậy, để nhân lên những “điểm sáng” và phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng 11,1% trong năm 2018, thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tập trung vào một số giải pháp chủ yếu như: Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, nâng tỷ trọng giá trị nội địa hóa trong sản phẩm thông qua các liên kết, liên doanh sản xuất giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp FDI; cải tiến quy trình sản xuất, tham gia và tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nhỏ và vừa trong nước, công nghiệp làng nghề. Phát triển các ngành thương mại, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại và dịch vụ trong các KCN; quan tâm phát triển các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa gắn với nhu cầu của cộng đồng dân cư…

Với những chủ trương chính sách đột phá, cách làm sáng tạo, tin tưởng kinh tế xã hội Bắc Ninh sẽ tiếp tục có những bước chuyển mạnh mẽ; tạo động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc T.Ư vào năm 2022./.

 

Phan Anh