Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đang có hơn 168.200 hội viên tham gia sinh hoạt tại 674 chi hội. Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên nông dân là nội dung có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã thường xuyên quan tâm thực hiện tốt hoạt động này. Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp chặt chẽ cùng các tổ chức, đoàn thể triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên nông dân. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, Hội Nông dân các cấp ở Bắc Ninh đã phối hợp tổ chức được 983 buổi tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho hơn 94.026 lượt hội viên, nông dân. Thông qua các hoạt động này đã góp phần tạo sự đồng thuận và nâng cao nhận thức trách nhiệm của đông đảo hội viên nông dân trong thực hiện các chương trình hành động của Hội.
Hội viên nông dân Bắc Ninh tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và sản xuất (Ảnh: KB)
Cùng với đó, thực hiện phương châm “thiết thực, cụ thể, hiệu quả”, Hội đã thường xuyên hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng các mô hình vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng an toàn và thân thiện với môi trường. Từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm, các cấp hội đã phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị liên quan tổ chức trên 180 lớp dạy nghề cho trên 5.000 lao động nông thôn; hơn 500 lớp tập huấn chuyến giao khoa học kỹ thuật cho hàng vạn lượt người tham dự; và 150 cuộc Hội thảo đầu bờ trình diễn các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cây con giống mới… Đặc biệt, hưởng ứng các hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân trong phát triển kinh tế, 6 tháng đầu năm 2018, các cấp Hội đã cùng với các ngành chức năng tổ chức được 346 buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho gần 25.120 lượt hội viên; cung ứng gần 250 tấn phân bón trả chậm cho nông dân. Đồng thời, nhận ủy thác tín chấp từ các ngân hàng giúp hơn 24.594 hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ trên 588 tỷ đồng. Chính từ các hình thức hỗ trợ nói trên, đã có hàng vạn gia đình hội viên nông dân vươn lên phát triển đời sống, làm giàu bền vững.
Là một điển hình tiêu biểu về phát triển kinh tế hộ gia đình, ít ai biết trước đây vợ chồng anh Ngô Xuân Trường thuộc diện khó khăn ở thôn Phú Thọ, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài (Bắc Ninh). Với sự hướng dẫn, hỗ trợ của Hội Nông dân, vợ chồng anh Trường đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi đầu tư xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp chăn nuôi thủy sản gắn với trồng cây ăn quả. Đến nay, bình quân hàng năm của gia đình anh Trường có thu nhập khoảng trên 200 triệu đồng từ các hoạt động sản xuất kinh tế. Theo đồng chí Trần Đăng Sâm, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Bắc Ninh, gia đình anh Ngô Xuân Trường chỉ là một trong số hàng vạn hộ hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Theo đó, tính đến đầu năm 2018, Bắc Ninh đã có 413.000 lượt hộ đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp”, hàng nghìn hộ nông dân được vay vốn đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng mọi mặt hoạt động của tổ chức Hội, hàng năm, phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh… cũng đã được triển khai rộng khắp, thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia hưởng ứng. Đồng thời, các hoạt động của Hội đã hướng mạnh vào công tác tuyên truyền bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho từng đơn vị; tổ chức vận động tới từng hộ gia đình nông dân cam kết không sử dụng chất cấm, hoá chất độc hại trong trồng trọt, chăn nuôi, đẩy mạnh việc hướng dẫn hội viên nông dân áp dụng một số kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong 6 tháng đầu năm nay, Hội Nông dân các cấp ở Bắc Ninh đã tổ chức khai giảng 6 lớp dạy nghề cho 180 hội viên nông dân, duy trì hoạt động của 430 mô hình Câu lạc bộ “Gia đình nông dân văn hóa”, “Gia đình nông dân hạnh phúc”, “Nông dân với pháp luật” với 18.600 hội viên tham gia. Mới đây, trao đổi tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023, đồng chí Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã khẳng định: Những năm qua, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều bước phát triển mới và có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển chung của tỉnh. Các cấp Hội nông dân trong tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức, chỉ đạo và thực hiện các phong trào thi đua, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nông dân; động viên, cổ vũ đông đảo nông dân phát huy truyền thống yêu nước, ý thức tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất.
Có thể thấy, với cách làm sáng tạo, toàn diện, công tác Hội và phong trào nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã và đang có những chuyển biến mới với nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Cũng theo đồng chí Trần Đăng Sâm, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Bắc Ninh, thời gian tới, các cấp Hội nông dân trong tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên. Đồng thời, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng cụ thể, sâu sát, hướng về cơ sở, đồng hành với nông dân trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; tích cực xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tổ chức Giải “Bóng chuyền Bông lúa vàng” tỉnh Bắc Ninh năm 2018, Lễ phát động “Nông dân Bắc Ninh nói không với thực phẩm bẩn” và Hội thi “Nông dân với công tác phòng chống tác hại của thuốc lá”. Tiếp tục triển khai các chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân với các ngành, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức dạy nghề cho nông dân theo chương trình đã ký kết. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát huy sáng kiến trong lao động sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đời sống vật chất, tinh thần của hội viên nông dân.../.