Bộ Xây dựng cùng VCCI đang xin ý kiến cho Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng (gọi tắt là Dự thảo) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

Đáng chú ý, môi giới có thể bị phạt từ 120 đến 160 triệu đồng nếu có hành vi không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không trung thực hồ sơ, thông tin về bất động sản.

Ngoài ra, nếu không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; tẩy xóa, sửa chữa, cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới bất động sản có thể bị xử phạt 60 - 80 triệu đồng.

Môi giới cần phải có chứng chỉ hành nghề và có thể bị xử phạt nếu cung cấp thông tin chưa đúng hoặc chưa đầy đủ (Ảnh minh họa)

Cũng theo Dự thảo, trường hợp kinh doanh dịch vụ bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định, không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định có thể bị phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng.

Trong cùng mức phạt này, các hành vi không lập hợp đồng hoặc hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản không đầy đủ các nội dung chính theo quy định; Sàn giao dịch bất động sản không có quy chế hoạt động, tên, địa chỉ theo quy định hoặc hoạt động sai quy chế được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; Sàn giao dịch bất động sản không có tên, địa chỉ theo quy định hoặc thay đổi tên, địa chỉ hoạt động nhưng không thông báo đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định; Thu các loại phí kinh doanh dịch vụ bất động sản mà pháp luật không quy định... cũng bị xử phạt theo mức tương tự.

Thậm chí, các sàn giao dịch bất động sản còn có thể bị đình chỉ hoạt động kinh doanh 6-12 tháng nếu vi phạm một số điều khoản liên quan tới việc không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, đã có chia sẻ về việc cấp chứng chỉ hành nghề cho môi giới bất động sản. Theo đó, Luật Kinh doanh bất động sản quy định rõ việc môi giới hoạt động phải có chứng chỉ. Muốn có chứng chỉ, các môi giới phải có kiến thức về pháp luật, hiểu biết về thị trường, văn hóa, đạo đức... Họ sẽ được kiểm tra kiến thức khi thi sát hạch để cấp chứng chỉ. Sở Xây dựng các địa phương là nơi có trách nhiệm cấp chứng chỉ cho người hành nghề môi giới bất động sản.

Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ năm 2015 tới nay nhưng tiến độ và công tác cấp chứng chỉ còn chậm và không hiệu quả.

Hiện chỉ 10% môi giới hành nghề trên thị trường có chứng chỉ. Thậm chí, các địa phương không tổ chức cấp chứng chỉ có thể vì ngại sự lắt nhắt. Họ cũng không có bộ máy và không có kinh nghiệm thực hiện.

Ngoài ra, không ít môi giới, do chưa được đào tạo và cấp chứng chỉ nên hoạt động vẫn thiếu chuyên môn, đạo đức. Họ không có kiến thức cơ bản để hành nghề càng dễ dẫn đến sai phạm. Môi giới còn không biết mình sai phạm, dẫn đến xảy ra nhiều vấn đề nhức nhối cho xã hội./.

 

PV