Xây dựng chuỗi liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp gồm nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp được xem là mô hình ưu việt nhằm gắn kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Nhận thức sâu sắc được điều đó, thời gian qua các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Lương Tài đã tích cực hỗ trợ hội viên nông dân tham gia vào chuỗi liên kết này.

Mô hình nuôi thỏ New Zeland theo chuỗi giá trị đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh baobacninh.com.v

HND Lương Tài hiện có 18.300 hội viên sinh hoạt tại 14 cơ sở Hội xã, thị trấn. Là địa phương thuần nông, thu nhập chính của hội viên nông dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, các cấp HND trong huyện chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các hoạt động mang lại lợi ích thiết thực, chính đáng cho hội viên nông dân; tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật hiện đại, phương thức sản xuất mới.

Giai đoạn 2013 - 2018, các cấp HND trong huyện đã phối hợp tổ chức 1.038 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 123 nghìn lượt hội viên nông dân. Tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho 3.200 hộ vay với tổng dư nợ tại các ngân hàng do HND trực tiếp quản lý đạt hơn 75 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HND huyện chủ động xây dựng nguồn Quỹ HTND cấp huyện đạt 390 triệu đồng, xây dựng các dự án phát triển sản xuất vay vốn Quỹ HTND cấp tỉnh và Trung ương với tổng nguồn vốn đạt 5,1 tỷ đồng. Cung ứng gần 1.600 tấn phân bón các loại theo hình thức trả chậm cho nông dân. Đồng thời, phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng như: Báo Bắc Ninh, Báo Nông thôn ngày nay, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh huyện đưa tin về hoạt động Hội và phong trào nông dân, gương những hộ sản xuất kinh doanh giỏi, quảng bá, giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng.

Nhận thấy tiềm năng và lợi thế của địa phương trong phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, các cấp HND trong huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên nông dân tham gia phát triển các mô hình kinh tế tập thể, xây dựng các mô hình trồng trọt và chăn nuôi theo chuỗi giá trị bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Trong đó, tiêu biểu là chương trình liên kết giữa Hội Nông dân huyện với Công ty TNHH Hưng Gia Nguyễn trong sản xuất và bao tiêu cà rốt, cải bắp xuất khẩu; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong với mô hình trồng măng tây xanh; và Công ty Dược phẩm Nippon Zonki Nhật Bản với mô hình nuôi thỏ New Zeland.

Nói về mô hình nuôi thỏ  New Zeland theo chuỗi giá trị, ông Nguyễn Đăng Hệ, Chủ tịch HND huyện cho biết: “Phát triển mô hình nuôi thỏ là cách làm không mới. Tuy nhiên, trước đây các chủ hộ nuôi theo hình thức gia công, tự phát phụ thuộc rất nhiều vào thương lái nên giá thành bấp bênh, không ổn định. Việc ký kết với công ty đầu mối thu mua ổn định sẽ giúp các hộ yên tâm phát triển đàn vật nuôi; liên kết, hỗ trợ nhau cùng sản xuất; đồng thời đòi hỏi người nông dân thay đổi tập quán chăn nuôi, áp dụng những quy định bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của đối tác. Ngoài ra các hộ tham gia còn được cung ứng thức ăn cho thỏ theo hình thức trả chậm”.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Hội trong hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia liên kết 4 nhà, các cấp HND trong huyện tiếp tục chủ động liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT; đưa những cây, con giống mới vào sản xuất trên cơ sở phù hợp với tiềm năng sẵn có gắn với đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến để người nông dân thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, tuân thủ theo quy trình sản xuất đạt quy chuẩn để nâng cao chất lượng và giá trị của nông sản; tạo sự gắn kết giữa nông dân với nông dân nhằm tạo vùng sản xuất tập trung tăng khả năng cạnh tranh của nông sản./.

Theo Báo Bắc Ninh