Sự hiện diện của Samsung đã đưa Bắc Ninh vào tốp đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp (đạt gần 1 triệu tỷ đồng) và xuất khẩu (năm 2017 chiếm 14,9% giá trị xuất khẩu của cả nước). Bên cạnh những con số không thể phủ nhận đó thì Samsung còn mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nội địa tại Bắc Ninh tham gia vào chuỗi giá trị của mình. Tuy nhiên vấn đề đặt ra đối với địa phương và các doanh nghiệp thuần Việt hiện nay là phải làm thế nào để tận dụng, khai thác được cơ hội đó.

Tại Bắc Ninh Samsung có 3 dự án lớn đó là: Samsung điện tử (SEV) vốn đầu tư 2,5 tỷ USD; Samsung SDI vốn đầu tư hơn 100 triệu USD; Samsung Display (SDV) vốn đầu tư 6,5 tỷ USD… Số vốn này hiện cơ bản giải ngân xong, năm 2017 Tổ hợp Samsung Bắc Ninh tạo ra giá trị xuất khẩu hơn 28 tỷ USD. Sau 10 năm đầu tư vào tỉnh, Samsung điện tử đã gây dựng tại Việt Nam nói chung, Bắc Ninh nói riêng nền tảng chế tạo cho lĩnh vực điện tử, không chỉ điện thoại di động mà còn cả ti vi, đồ điện tử gia dụng, thiết bị network và linh phụ kiện. Theo kế hoạch sản xuất của Samsung dự kiến năm 2018 nâng sản lượng lên 1 tỷ chiếc điện thoại di động. Mới đây, Tập đoàn này công bố nhu cầu 170 sản phẩm, linh phụ kiện cần đối tác cung ứng. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp địa phương tham gia cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam chia sẻ: Như lời cam kết cùng Việt Nam phát triển đồng thịnh vượng, kể từ ngày đầu tiên Samsung đặt nền móng cho các dự án đầu tư lớn tại Bắc Ninh, Tập đoàn tích cực tìm kiếm đối tác nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và chuyển giao công nghệ. Sau 10 năm Samsung điện tử chính thức đầu tư vào Bắc Ninh tỷ lệ nội địa hóa tăng dần qua các năm, từ 35% năm 2014 lên 57% năm 2017. Hiện có 215 nhà cung cấp nội địa cung ứng cho Samsung, trong đó có 29 nhà cung ứng cấp I (tăng gấp 7,25 lần so với năm 2014).

Các nhà cung ứng trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (KCN Yên Phong). Ảnh: Báo Bắc Ninh

 Trong một loạt các nỗ lực không ngừng nhằm kết nối doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung, hướng tới việc tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện nội địa, Samsung Việt Nam đã triển khai các chương trình tư vấn, hỗ trợ giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực của mình, đủ sức cạnh tranh với các nhà cung ứng toàn cầu khác để gia nhập chuỗi giá trị của Samsung.

Tại Bắc Ninh có 1 nhà cung ứng cấp I là Công ty Điện tử Thành Long (CCN Hạp Lĩnh); các nhà cung ứng cấp II như Công ty Bảo Tín (KCN Phong Khê); Công ty ECO (KCN Khai Sơn); Công ty Bắc Việt (KCN Quế Võ); Công ty CP MANUTRONICS Việt Nam (KCN Tiên Sơn). Hiện có một số doanh nghiệp Bắc Ninh có tiềm năng trở thành nhà cung cấp của Samsung như: Tổng Công ty Tiến Thành (KCN Quế Võ); Công ty Kim Sen (KCN Yên Phong)…

Tuy nhiên, các doanh nghiệp hỗ trợ của Bắc Ninh mới chỉ tham gia cung cấp chủ yếu các sản phẩm, chi tiết đơn giản: cơ khí, sản phẩm nhựa, bao bì… còn đối với các doanh nghiệp điện, điện tử - mới chỉ là bước khởi đầu. Nguyên nhân chính là do nhiều doanh nghiệp nội địa còn rất yếu kém (chưa có kinh nghiệm cũng như trải nghiệm thực sự trong vấn đề sản xuất các sản phẩm công nghệ cao), thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao, chất lượng sản phẩm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường hiện tại...

Được đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong thay đổi cơ cấu ngành Công nghiệp, nhưng thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ của Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung chưa được đầu tư đúng mức. Để khai thác cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung, các doanh nghiệp nội cần chú trọng đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động tiếp cận với Samsung để tìm hiểu yêu cầu của đối tác và “đầu ra” cho sản phẩm. Đồng thời xem mức độ công nghệ hiện tại của doanh nghiệp mình có đáp ứng được nhu cầu của Samsung hay không? Qua đó sẽ nhận thấy cần phải cải tiến ở điểm nào? Khi cải tiến như vậy, nếu vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của Samsung sẽ đề xuất với Samsung để họ có những kế hoạch hỗ trợ, tư vấn và bồi dưỡng cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, hoàn thiện các tiêu chuẩn của sản phẩm, linh kiện cung cấp cho các nhà máy của Samsung tại Việt Nam.

Muốn làm được việc này, rất cần có các chương trình xúc tiến, trong đó chính quyền vừa là cầu nối, vừa là cơ quan giám sát việc thực hiện quá trình kết nối, tiếp cận công nghiệp hỗ trợ quốc tế. Sự bắt tay giữa Samsung và các bộ, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp qua các tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao công nghệ sẽ mang lại nhiều giải pháp thiết thực, trực tiếp giúp các doanh nghiệp nội địa nắm bắt được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung./.

Theo Báo Bắc Ninh