Phát triển kinh tế trang trại đang trở thành hướng đi hiệu quả của ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh (Ảnh: QM)

Là người đi tiên phong trong phát triển kinh tế trang trại, năm 2010, chị Nguyễn Thị Quyên ở thôn Đồng Đông xã Đại Đồng Thành huyện Thuận Thành đã mạnh dạn đấu thầu 6,5 ha đất nông nghiệp của Hợp tác xã Đại Đồng Thành để xây dựng mô hình trang trại tổng hợp chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Gia đình chị đầu tư xây dựng 1500m2 chuồng nuôi 1000 con lợn với tiêu chuẩn "đông ấm, hè mát", vật nuôi được tiêm vắc xin định kỳ. Để đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi, đồng thời giảm bớt chi phí, chị kết hợp thóc, sắn, ngô trộn với thức ăn chăn nuôi công nghiệp khác. Để tránh dịch bệnh, chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ. Vì vậy, lợn giống và lợn thương phẩm ở trang trại của gia đình chị Quyên luôn được thương lái và hộ chăn nuôi tin tưởng về chất lượng. Ngoài ra, chị Quyên còn đào hơn 2 ha ao thả 5 vạn cá với hàng chục loại như: rô, chép, trắm, trôi, mè…; đồng thời, kết hợp trồng nhiều loại cây trồng phù hợp với xu thế của thị trường, cho thu nhập cao như: đinh lăng, măng tây xanh, chuối, bưởi… Chỉ tính riêng trong năm 2017 vừa qua, trang trại của gia đình chị Quyên đã xuất ra thị trường khoảng 140 tấn thịt lợn; tổng lợi nhuận từ trang trại đạt trên 2 tỷ đồng. Mô hình trang trại tổng hợp của chị cũng đã tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Tìm hiểu được biết, trang trại tổng hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Quyên chỉ là một trong số hàng nghìn trang trại đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Theo thống kê đến đầu năm 2018, Bắc Ninh đã có hơn 3.200 trang trại và gia trại; giải quyết việc làm cho gần 40.000 lao động. Trong đó, có 15 trang trại trồng trọt; 93 trang trại chăn nuôi; 30 trang trại nuôi trồng thủy sản và 29 trang trại tổng hợp. Bình quân hàng năm, hệ thống các trang trại này đã cung ứng cho thị trường 95.000 - 100.000 tấn lợn; 22.000 - 25.000 tấn gia cầm; 40.000 tấn thủy sản; 100.000 tấn quả các loại… Diện tích bình quân đạt 2,7ha/trang trại, thu nhập  412 triệu đồng/trang trại. Thu nhập từ kinh tế trang trại đạt gần 50% giá trị thu nhập của ngành nông nghiệp. Những hiệu quả nói trên trong phát triển kinh tế trang trại đã trực tiếp góp phần vào quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất, gắn liền với tiến trình phân công lao động nông thôn. Đặc biệt, tại nhiều địa phương đã xuất hiện các mô hình hợp tác xã (HTX) trên cơ sở sự liên kết các trang trại qua đó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Điển hình là một số HTX như: HTX Măng tây xanh Thái Bảo, HTX Dịch vụ tổng hợp Xuân Tùng (Gia Bình); HTX VAC Xuân Hòa (Quế Võ); HTX Chăn nuôi Cường Thịnh (Yên Phong)…

Cùng với đó, một điểm nổi bật trong phát triển kinh tế trang trại ở Bắc Ninh đó là xu hướng ứng dụng công nghệ cao vào phát triển các mô hình nông nghiệp đã dần được phổ biến. Tính đến hết năm 2017, chỉ riêng tại huyện Thuận Thành đã có gần 30 mô hình công nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thực hiện thành công. Trong đó có 15 trang trại chăn nuôi theo chuồng kín, 1 trang trại chăn nuôi hữu cơ, 2 mô hình trồng rau hữu cơ, 3 mô hình nhà lưới sản xuất rau an toàn, 1 mô hình trang trại thông minh; 5 cơ sở nuôi cá lồng trên sông Đuống… Theo đồng chí Nguyễn Đình Khang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cho biết, với mục tiêu khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với các mô hình kinh tế trang trại, chúng tôi đã thường xuyên phối hợp cùng ngành nông nghiệp tích cực tuyên truyền về chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh; tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản theo hướng an toàn; tạo điều kiện cho các chủ trang trại, doanh nghiệp, cá nhân tích tụ ruộng đất; liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm...

Thực tế phát triển kinh tế trang trại thời gian qua ở Bắc Ninh cho thấy, hướng phát triển kinh tế trang trại đã có những đóng góp quan trọng trong chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành phi nông nghiệp. Tuy nhiên, mô hình này đang gặp khó khăn do một số chủ trang trại còn hạn chế về năng lực quản lý, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Đa phần các trang trại hiện đang thiếu vốn để đầu tư mua sắm máy móc, vật tư, cây, con giống. Hiệu quả sản xuất của các trang trại không đồng đều; việc ứng dụng công nghệ, áp dụng khoa học, kỹ thuật tại một số địa phương còn chậm được thực hiện; việc bảo quản sản phẩm sau thu hoạch còn lạc hậu… Do đó, nguyện vọng chung của các cá nhân, doan nghiệp tham gia phát triển kinh tế trang trại ở Bắc Ninh hiện nay là đề xuất các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 50 năm cho các chủ trang trại, gia trại theo tiêu chí mới; khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, canh tác bền vững nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ những giống cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khuyến khích mỗi huyện lựa chọn sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với điều kiện canh tác để làm chủ lực trong phát triển sản xuất của địa phương…

Được biết, thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng sản xuất cho người dân, tỉnh Bắc Ninh sẽ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để chủ trang trại tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; triển khai các mô hình sản xuất công nghệ cao theo chuỗi giá trị. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm cho các chủ trang trại, người lao động. Đồng thời, các sở, ban, ngành sẽ tăng cường nghiên cứu thông tin thị trường, định hướng sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm cho các trang trại, gia trại, tránh tình trạng thừa hoặc thiếu sản phẩm; hỗ trợ kinh phí, đồng hành cùng các chủ trang trại, gia trại tổ chức chương trình hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật giúp các chủ trang trại mở rộng sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm để phát huy hiệu quả. Tăng cường liên kết 4 nhà trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hình thành và mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế trang trại; nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy phát triển nông nghiệp - nông thôn bền vững./.

Quang Minh