Thống kê giai đoạn 2015 - 2019, điểm số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bắc Ninh tăng dần đều, từ 59,91 điểm vào năm 2015 vượt lên 70,79 điểm trong lần công bố mới đây.
Qua đó, có thể khẳng định, các doanh nghiệp đang từng bước hài lòng và đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương tương đối ổn định, phản ánh chất lượng điều hành kinh tế và sự năng động, sáng tạo cũng như nỗ lực cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt của chính quyền cũng như các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các địa phương...
Phân tích chỉ số PCI năm vừa qua của Bắc Ninh về tiêu chí “Tiếp cận đất đai” cho thấy có tới 44,74% doanh nghiệp (DN) không gặp cản trở về tiếp cận, mở rộng mặt bằng kinh doanh; 42,86% DN không gặp bất kỳ khó khăn nào về thủ tục khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong vòng 2 năm qua (năm 2018 là 30%).
Samsung là nhà đầu tư lớn nhất vào Bắc Ninh hiện nay (Ảnh: Diên An)
Chỉ số "Tính minh bạch" là chỉ số thành phần có sự cải thiện lớn với 8/10 chỉ số thành phần tăng điểm, tăng 1,17 điểm và 47 bậc từ thứ hạng 53 (năm 2018) lên thứ 6 (năm 2019). Đánh giá của các doanh nghiệp ghi nhận cao khi thông tin mời thầu được công khai (tăng từ 20% lên 64,71%).
Trong khi đó tỷ lệ các doanh nghiệp cho rằng cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh giảm từ 77,24% xuống 62,07%; “Thỏa thuận’’ khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng cũng giảm từ 55,24% xuống 44,66%...;
Với 8/9 chỉ tiêu có sự cải thiện so với năm trước, chỉ số “Chi phí không chính thức” cũng được các doanh nghiệp ghi nhận có sự chuyển biến tích cực. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp có chi trả trong thực hiện thủ tục hành chính đất đai giảm từ mức 50% của năm 2018 xuống còn 25% vào năm 2019.
Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết chi trả chi phí không chính thức là điều bắt buộc để đảm bảo trúng thầu cũng giảm đến 31,67% (từ 65,00% xuống 33,33%)…
Doanh nghiệp hài lòng về tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh
Chỉ số PCI cũng ghi nhận sự hài lòng của doanh nghiệp ở một số tiêu chí thành phần, điển hình là về “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh”.
Cụ thể: Tỷ lệ doanh nghiệp cho thấy UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh tăng lên mức75% (năm trước đó là 70,53%). Hay như tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân tăng từ 84,69% lên 86,96%.
Đặc biệt, có 92,59% doanh nghiệp hài lòng với phản hồi/cách giải quyết của cơ quan Nhà nước tỉnh (tăng 8,59% so năm 2018) và 67,59% doanh nghiệp cho rằng thái độ của chính quyền tỉnh với khu vực kinh tế tư nhân là tích cực (năm trước đó là 45,28%).
Không còn khái niệm ưu ái doanh nghiệp FDI hơn, xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng
Trước đây, nếu như tỉnh Bắc Ninh thường bị các doanh nghiệp cho rằng có sự ưu ái hơn đối với các doanh nghiệp FDI thì hiện tại, tiêu chí “Cạnh tranh bình đẳng” cho thấy, tỷ lệ đồng ý với nhận định doanh nghiệp FDI được ưu tiên giải quyết các khó khăn hơn doanh nghiệp dân doanh năm nay giảm còn 39.53% (năm trước đó là 61,96%).
Với tỷ lệ doanh nghiệp nhận định nguồn lực kinh doanh như hợp đồng, đất đai… chủ yếu rơi vào doanh nghiệp thân quen cán bộ công quyền cũng giảm mạnh xuống còn 54,26%, trong khi năm trước đó là 68,04%. Hoặc tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng ưu đãi doanh nghiệp lớn (Nhà nước và tư nhân) là trở ngại cho bản thân doanh nghiệp giảm còn 46,07% (giảm 10,92% so với năm trước)...
Các doanh nghiệp cũng bày tỏ sự hài lòng và tin tưởng vào các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh khi chấm điểm tiêu chí Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự đứng thứ 1 cả nước (năm trước đó đứng thứ 40) với cả 17/17 chỉ tiêu đều có sự cải thiện. Trong đó, có 52,25% các doanh nghiệp đánh giá “Lãnh đạo tỉnh sẽ không bao che và nghiêm túc kỷ luật cán bộ nhũng nhiễu DN” (năm trước đó chỉ có 26,27%); có tới 69% DN cho rằng tình hình an ninh trật tự tại tỉnh là Tốt…
Trả lời phỏng vấn Dân Việt/Trang trại Việt Online trước đây, ông Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Bắc Ninh đang có kế hoạch rất lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Minh chứng mới nhất là Bắc Ninh vừa thực hiện Chương trình ký kết 3 bên giữa tinh Bắc Ninh - Bộ Công Thương và Tập đoàn Samsung chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
"Tới đây, Bắc Ninh sẽ xây dựng một trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp theo mô hình R&D, tức nghiên cứu và phát triển. Như vậy để thấy, Bắc Ninh rất coi trọng việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển lâu dài và bền vững trên địa bàn", ông Nguyễn Quốc Chung cho biết thêm.
Dù đã đạt được sự ghi nhận và hài lòng của doanh nghiệp, song lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh vẫn lưu ý, các địa phương và các sở ngành, đơn vị chức năng vẫn cần tiếp tục tăng cường thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại.
Qua đó nỗ lực tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như các thành phần kinh tế phát triển công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; hướng tới giữ vững và nâng cao xếp hạng Chỉ số PCI của Bắc Ninh năm 2020 và những năm tiếp theo./.