Sức hút từ lịch sử

Là vùng đất cổ phù sa màu mỡ với núi Thiên Thai bên dòng sông Đuống hiền hòa, Gia Bình còn có hệ thống di tích lịch sử văn hóa là điểm nhấn quan trọng trong các hành trình du lịch của vùng nam Đuống nói riêng và của tỉnh Bắc Ninh nói chung. Đất này từng sản sinh nhiều bậc hiền tài từng làm rường cột của quốc gia dân tộc, nổi tiếng như tướng quân Cao Lỗ là một vị tướng tài giỏi thời An Dương Vương được xem là ông tổ của ngành quân khí Việt Nam đã chế tạo “nỏ thần” bảo vệ đất nước ngay từ buổi bình minh dân tộc. Tại quê hương Gia Bình ngày nay vẫn còn lăng mộ và đền thờ Cao Lỗ Vương được nhân dân địa phương tôn thờ, hàng năm tổ chức lễ hội tưởng nhớ vào ngày 10/3 (âm lịch).

Gia Bình cũng là quê hương của là Thái sư Lê Văn Thịnh là thầy dạy của minh vương Lý Nhân Tông, một người tài cao đức trọng đã đỗ đầu khoa thi đầu tiên của Nho học Việt Nam năm 1075. Đền thờ Trạng nguyên Lê Văn Thịnh ở thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu vẫn bảo lưu nhiều tài liệu, hiện vật quý, tiêu biểu là bảo vật quốc gia - Tượng Rồng đá với hình dạng độc đáo được giới nghiên cứu đánh giá chưa từng có trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Khu di tích này đã trở thành nơi tri ân của thế hệ con cháu mọi miền Tổ quốc.

Bản đồ khu vực di tích bến Bình Than - bãi Nguyệt Bàn

Một điểm đến quan trọng không thể không nhắc đến ở Gia Bình là bãi Nguyệt Bàn - bến Bình Than. Cách đây hơn 700 năm, vào mùa đông năm 1282 nơi đây đã diễn ra hội nghị các vương hầu, quý tộc và tướng lĩnh cao cấp của triều Trần để bàn kế sách đánh giặc Nguyên-Mông và thống nhất ý chí quyết tâm kháng chiến cứu nước. Trải qua năm tháng, cho dù phù sa bồi đắp, các thế hệ có ra sức khai khẩn đất hoang, mở mang làng xã nhưng cái tên Bình Than vẫn không thể mất và hào quang của “hào khí Đông A” vẫn tỏa sáng bất diệt trên mảnh đất giàu truyền thống văn hiến và thượng võ.

Với 68 di tích lịch sử văn hóa đã được nhà nước xếp hạng, hệ thống di tích của Gia Bình phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, độc đáo về giá trị... Đến Gia Bình, du khách còn có cơ hội được tham quan di tích Lệ Chi Viên, nơi ghi dấu vụ thảm án đối với gia tộc vị Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; vãng cảnh chùa Đại Bi-một di tích ghi dấu ấn đậm nét về Trạng nguyên, Thiền sư Huyền Quang là một trong ba vị Tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử... Bên cạnh đó, các làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như đúc đồng Đại Bái, tre trúc Xuân Lai... với lịch sử hàng trăm năm tồn tại hiện vẫn đang phát triển mạnh mẽ, đa dạng mẫu mã sản phẩm, phục vụ thiết thực cho đời sống đương đại.

Cách nào để tiềm năng không còn tiềm ẩn?

Mặc dù dồi dào tiềm năng và lợi thế phát triển các loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du khảo đồng quê làng cổ, trải nghiệm thực tế, mua sắm sản phẩm thủ công ở các làng nghề… Song làm sao tạo ra được các sản phẩm du lịch hấp dẫn, phong phú, có tính cạnh tranh và khả năng lưu giữ du khách vẫn đang là những vấn đề quan trọng đặt ra cho vùng đất này.

Thời gian qua, hầu hết các di tích lịch sử nằm trong tour du lịch sinh thái tâm linh ven sông Đuống như: Khu du lịch sinh thái Thiên Thai, chùa Thiên Thư, di tích Lệ Chi Viên, chùa Đại Bi, khu lăng mộ và đền Cao Lỗ Vương, đền Tam phủ... đều được đầu tư tu bổ, tôn tạo và bước đầu thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.

Hiểu rõ tầm quan trọng của việc phát triển du lịch là động lực thúc đẩy phát triển nhanh và mạnh các ngành dịch vụ, nghề truyền thống, tạo nhiều việc làm cho người dân nhằm thực hiện có hiệu quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, huyện Gia Bình chủ động thực hiện và đề xuất một số giải pháp chiến lược với mong muốn đưa du lịch Gia Bình có bước đổi mới thực sự, phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có. Trước mắt, huyện tập trung lập và phê duyệt Đề án phát triển du lịch Gia Bình giai đoạn 2020 - 2025; quyết tâm hoàn thành và đưa vào khai thác quần thể du lịch Văn hoá - Sinh thái - Tâm linh ven sông Đuống mà trung tâm là khu di tích lịch sử văn hoá đền thờ Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, chùa Đại Bi, Lệ Chi Viên, khu lăng mộ, đền thờ Cao Lỗ Vương, đền Tam Phủ - Bãi Nguyệt Bàn gắn với phát triển du lịch làng nghề; tái bản, bổ sung các tài liệu về di tích lịch sử văn hóa Gia Bình và giới thiệu các di tích tiêu biểu phục vụ tour du lịch tâm linh trên địa bàn huyện.

Sắc phong thờ Trần Hưng Đạo tại ngôi đền Tam Phủ tại Bình Than, Nguyệt Bàn (tỉnh Bắc Ninh) Ảnh: Ngữ Thiên

Bên cạnh đó, huyện sẽ đề nghị công nhận di tích Bến Bình Than là di tích lịch sử cấp Quốc gia; xúc tiến thu hút đầu tư xây dựng khu du lịch bãi Nguyệt Bàn, khu nghỉ dưỡng sông Đuống gắn với phát triển tổng thể du lịch Lục Đầu Giang, vành đai xanh và định hướng phát triển đô thị ven sông Đuống; quy hoạch và xây dựng trạm dừng nghỉ gắn với trung tâm thương mại giới thiệu sản phẩm làng nghề đúc đồng Đại Bái, tre trúc Xuân Lai để thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ trên tuyến Quốc lộ 17; phấn đấu đến năm 2025 tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ đạt 4.473 tỷ đồng, tăng 1.913 tỷ đồng so năm 2020.

Song song với xây dựng kế hoạch, lập đề án cần có sự đầu tư xứng đáng về hạ tầng cũng như gia tăng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch ở đây. Ngoài ra, huyện cũng cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa văn hóa, thể thao, khuyến khích và tạo điều kiện huy động các nguồn vốn cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với các hoạt động du lịch, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Gia Bình.../.

Theo Việt Thanh/Báo Bắc Ninh