Thời điểm này trên địa bàn tỉnh, hầu hết các Ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất 0,5%/năm cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (phát triển nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Đây là lần thứ 2 liên tiếp (từ tháng 7-2017 đến nay) lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm. Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh của DN và các thành phần kinh tế còn nhiều khó khăn, việc hạ lãi suất cho vay của ngân hàng giúp giảm bớt chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất ngay từ đầu năm
Với vai trò chủ đạo trong hoạt động tiền tệ, các Ngân hàng Thương mại quốc doanh như Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank vẫn luôn là những đơn vị đi đầu thực hiện chủ trương hạ lãi suất cho vay đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Tại Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT (Agribank) Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh, từ ngày 10-1, những khách hàng là đối tượng ưu tiên có tình hình tài chính minh bạch, dự án kinh doanh khả thi được giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 6,5%/năm xuống còn tối đa 6%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8% xuống còn 7,5%/năm. Trước đó tháng 7-2017, đơn vị cũng chủ động giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các khách hàng thuộc nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên. Như vậy, trong vòng 6 tháng từ tháng 7-2017 đến tháng 1-2018, Agribank Bắc Ninh có 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho các đối tượng được ưu tiên, với dư nợ hơn 600 tỷ đồng được áp dụng mức lãi suất 6%/năm trở xuống.
Thời gian qua, Agribank Bắc Ninh áp dụng nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng, đơn giản hóa quy trình thủ tục cho vay, phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân đẩy mạnh cho vay hộ cá thể theo phương thức tín chấp, không cần thế chấp. Đơn vị đã triển khai 3 gói tín dụng lãi suất thấp hơn lãi suất điều vốn nội bộ hỗ trợ cho khách hàng trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao; điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ theo Nghị định 55/2015 của Chính phủ…
Vietcombank Bắc Ninh áp dụng lãi suất ưu đãi ngắn hạn 6%/năm cho các lĩnh vực ưu tiên từ ngày 15-1-2018.
Cũng như Agribank, từ cuối năm 2017, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Bắc Ninh hạ lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm từ 6,5%/năm xuống còn 6%/năm (bắt đầu thực hiện từ ngày 15-1-2018). Thông thường, chính sách lãi suất mới áp dụng cho những khoản vay mới. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm lãi suất lần này được Vietcombank thực hiện đối với cả những hợp đồng cũ, không cần phải chờ đến kỳ tính lãi. Thời gian thực hiện ưu đãi lãi suất được áp dụng từ 15-1 đến 31-12-2018. Đối với các DN xếp hạng tín dụng tốt, sản xuất kinh doanh hiệu quả được áp dụng lãi suất cho vay rất ưu đãi, thấp hơn mức thông thường nêu trên. Thời điểm này, Vietcombank Bắc Ninh có 62 DN được tiếp cận nguồn vốn lãi suất ưu đãi 6%/năm với tổng dư nợ hơn 400 tỷ đồng.
Theo ông Lê Chí Dũng, Phó Giám đốc Vietcombank Bắc Ninh: Ngân hàng đang rà soát, xếp loại chất lượng tín dụng đối với từng khách hàng; tập trung vào các ngành ít chịu rủi ro, tăng tỷ trọng cho vay trung, dài hạn; xây dựng các giải pháp tài chính để hỗ trợ khách hàng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Việc giảm lãi suất các khoản vay ngắn hạn Việt Nam đồng về mức tối đa 6%/năm đối với các khách hàng đang hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên thể hiện cam kết của Vietcombank với các cá nhân, DN sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là bắt đầu từ Quý II năm 2018 nhu cầu vốn tăng cao.
Không chỉ những Ngân hàng TM Nhà nước đồng thuận hạ lãi suất cho vay, nhiều Ngân hàng TMCP cũng mạnh tay trong việc điều chỉnh lãi suất thời điểm này. Điển hình như: SHB, VpBank, Mbbank Chi nhánh Bắc Ninh lần lượt điều chỉnh giảm 0,5% lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên ngay từ tháng 1- 2018.
Cơ hội vốn rẻ cho doanh nghiệp có dự án kinh doanh tốt
Những tín hiệu tích cực trên thị trường tiền tệ được nhiều khách hàng sử dụng vốn vui mừng đón nhận. Ông Đào Viết Xuê, Giám đốc HTX sản xuất VAC Tiến Thịnh (Quế Võ) cho biết: “Giá lợn hơi tụt giảm sâu trong năm 2017 khiến người chăn nuôi gặp khó khăn. Song với phương án kinh doanh chặt chẽ, kết hợp với việc sử dụng nguồn lực tài chính hợp lý, đầu tư đúng mục đích nên việc chăn nuôi của gia đình vẫn ổn định. Hiện với quy mô nuôi 1.000 lợn thịt, 100 lợn nái và hơn 4ha nuôi thả cá, trung bình mỗi tháng HTX xuất bán 20 tấn lợn. Vừa qua, HTX đầu tư một lò giết mổ trị giá 400 triệu đồng, phục vụ HTX và các trang trại chăn nuôi lân cận. Thời điểm này, HTX được Agribank huyện Quế Võ cho vay 3,2 tỷ đồng phát triển chăn nuôi. Từ tháng 7-2017 đến nay, Ngân hàng điều chỉnh 2 lần giảm lãi suất, với lãi suất ưu đãi như hiện nay là tiền đề để HTX tiếp tục phát triển, mang lại lợi nhuận cao”.
Ông Ngô Xuân Lợi, Giám đốc Công ty cổ phần Hưng Lợi chuyên sản xuất giấy và bao bì tại Cụm công nghiệp Phú Lâm (Tiên Du) hiện đang có dư nợ với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Bắc Ninh chia sẻ: “Do đặc thù ngành giấy, thị trường đầu vào, đầu ra không ổn định luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn và lãi suất ngân hàng. Từ việc hạ 0,5% lãi suất ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của NHNN mỗi tháng chúng tôi có thể dư ra hàng chục triệu đồng, giúp DN giảm bớt khó khăn, duy trì ổn định sản xuất, bảo đảm thu nhập cho công nhân”.
Sự chia sẻ giữa Ngân hàng với khách hàng vay vốn là hết sức cần thiết, góp phần khuyến khích, thúc đẩy các DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo đà tăng trưởng tín dụng. Theo đánh giá của NHNN Chi nhánh tỉnh, việc giảm lãi suất cho vay lần này là kết quả của sự ổn định lãi suất huy động và mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian qua. Tính thanh khoản của hệ thống được bảo đảm, thị trường tiền tệ tương đối ổn định. Đây cũng là kết quả của việc tăng trưởng về chất lượng của hầu hết các ngân hàng. Việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của NHNN lần này không gây áp lực lớn đối với các ngân hàng, bởi lãi suất cho vay chỉ giảm ở các nhóm, lĩnh vực ưu tiên, đối với khoản vay ngắn hạn. Tuy nhiên, thời điểm này, trên địa bàn tỉnh số khách hàng được hưởng lãi suất 6%/năm chưa nhiều. Nguyên nhân chính do khách hàng chưa bảo đảm các điều kiện của Ngân hàng như: minh bạch tài chính, mục đích sử dụng vốn, hồ sơ, dự án khả thi... Theo ý kiến của nhiều Ngân hàng việc hạ lãi suất cho các nhóm, ngành lĩnh vực ưu tiên không chỉ là “cú hích” cho cộng đồng DN tiếp tục phát triển ổn định mà còn kích thích tăng trưởng tín dụng./.