Lực lượng quản lý thị trường Bắc Ninh kiểm tra hàng hóa vi phạm. Ảnh:TL

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh Phạm Huy Trọng cho biết, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh đã đã triển khai các giải pháp, tập trung đấu tranh chống các hành vi kinh doanh hàng lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả và các hành vi gian lận thương mại.

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh chống các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cụ thể, trong 220 vụ tiến hành kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý 152 vụ và báo cáo UBND tỉnh xử lý 2 vụ (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022) với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính hơn 2,2 tỷ đồng. Có 1 vụ chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự. Trị giá hàng hóa vi phạm ước 2,7 tỷ đồng (giảm 1,2 tỷ đồng, tương ứng giảm 30% so với cùng kỳ năm trước).

Trong đó, Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh xử lý 2 hành vi vi phạm về hàng cấm, xử phạt vi phạm hành chính 8 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy hơn 4 triệu đồng; 73 hành vi vi phạm về hàng lậu, xử phạt vi phạm hành chính gần 1,2 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm tịch thu hơn 1,6 tỷ đồng; 38 hành vi vi phạm về hàng giả xử phạt vi phạm hành chính hơn 570 triệu đồng, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hơn 486 triệu đồng; 9 hành vi vi phạm về hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 4 hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; 20 hành vi vi phạm về đầu cơ, găm hàng, lĩnh vực giá…

Cụ thể, ngày 20/2/2023, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh quần áo của bà Nguyễn Thị Lệ Thương, thôn Phong Xá, xã Đông Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cở sở kinh doanh đang bày bán 3.000 chiếc áo có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ, gồm 1.450 chiếc áo phông nhãn hiệu Louis Vuitton; 1.200 chiếc áo phông nhãn hiệu Gucci và 350 chiếc áo phông nhãn hiệu Chanel.

Bà Thương chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đội Quản lý thị trường số 2 đã ban hành Quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên để xác minh, làm rõ. Ngày 20/3/2023, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 52,5 triệu đồng đối với bà Nguyễn Thị Lệ Thương về hành vi vi phạm hàng giả. Buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên, trị giá 61,4 triệu đồng.

Ngày 30/3/2023, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với địa điểm kinh doanh thực phẩm thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đông Loan, địa chỉ Thọ Đức, Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh do ông Nguyễn Văn Đông làm giám đốc. Kết quả, xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đông Loan số tiền là 34 triệu đồng đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa thực phẩm lòng lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Buộc tiêu hủy 7,1 tấn lòng lợn chưa qua sơ chế, bốc mùi hôi thối trị giá hơn 28 triệu đồng.

Để có được kết quả trên, Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh phân công trách nhiệm đối với từng cán bộ phụ trách theo lĩnh vực, địa bàn và công tác tham mưu, đôn đốc của các phòng chuyên môn nghiệp vụ của cục trong việc chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường theo từng chuyên đề cụ thể trên các lĩnh vực quản lý, địa bàn trọng điểm, ngành hàng hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện...

Dự báo tình hình 6 tháng cuối năm 2023, hình thức kinh doanh thương mại điện tử được lựa chọn nhiều hơn, khó khăn hơn trong vấn đề kiểm tra, kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường. Hành vi vận chuyển, buôn bán hàng lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái phép khác không giảm mà còn diễn biến phức tạp, nhiệm vụ đấu tranh chống buôn bán hàng lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết.

Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh chủ động trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể xã hội, các cơ quan thông tin tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi người dân để nhân dân nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước liên quan đến hoạt động thương mại, công nghiệp, dịch vụ thương mại, đồng thời hiểu rõ tác hại của kinh doanh hàng lậu, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại khác và từ đó tự giác thực hiện và đồng tình ủng hộ các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.

Cùng đó, các đội quản lý thị trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc các sở, ngành, các phòng, ngành thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố các xã, phường, thị trấn quản lý tốt địa bàn được phân công, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu với chức năng, nhiệm vụ được giao, đẩy mạnh phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt trên các kênh thương mại điện tử để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh trái pháp luật; xây dựng phương án phối hợp với các lực lượng chức năng như công an, hải quan, thuế và các sở ban ngành khác... tăng cường việc nắm bắt, đánh giá thị trường, kiểm tra và xử lý vi phạm./.

TL