Đây là bước chuyển có tính cách mạng, đánh dấu giai đoạn mới của chính sách dân số ở Việt Nam. Nếu trước đây, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình chỉ tập trung vào một nội dung là kế hoạch hóa gia đình với mục tiêu giảm sinh thì nay, chính sách dân số mới tập trung giải quyết toàn diện 6 vấn đề dân số: duy trì mức sinh thay thế; đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số “vàng”; thích ứng với già hóa dân số; phân bổ dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.
Thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai nhiều giải pháp để chuyển trọng tâm sang Dân số và Phát triển, đến nay, công tác dân số của tỉnh đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác dân số trong tình hình mới ngày càng được nâng cao, coi việc triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Trong đó, cấp ủy có vai trò quan trọng trong việc đề ra chủ trương, giải pháp về công tác dân số trong tình hình mới. Chính quyền các cấp tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về công tác dân số triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo hiệu quả, tăng cường phối hợp với ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động thông tin, tuyên truyền và giáo dục về Dân số và Phát triển. Chỉ tiêu về dân số được lồng ghép trong chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đưa vào tiêu chí đánh giá việc xét, công nhận tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền vững mạnh cũng như xét công nhận “Gia đình văn hóa”, “Làng, khu phố văn hóa” hằng năm. Công tác tuyên truyền, vận động về dân số được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với từng địa phương, từng nhóm đối tượng. Nội dung truyền thông, giáo dục cơ bản đã chuyển sang chính sách dân số và phát triển, góp phần chuyển đổi thái độ, hành vi của người dân về công tác dân số và phát triển với mục tiêu nâng cao chất lượng dân số hiện nay và những năm tiếp theo. Sự phối hợp giữa ngành y tế, MTTQ, các ngành, đoàn thể trong thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW được đẩy mạnh; hệ thống tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số được củng cố và kiện toàn, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu nhiệm vụ mới trong công tác dân số “Chuyển nhiệm vụ trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”. Mỗi cặp vợ chồng có 02 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Dịch vụ dân số kế hoạch hóa gia đình được mở rộng, chất lượng dân số ngày càng được nâng cao; tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực của người dân được cải thiện, dân số có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, công tác phối hợp tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân số ở một số địa phương chưa thường xuyên; tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai đang có xu hướng giảm dần qua từng năm; tỷ lệ mất cân bằng giới tỉnh khi sinh cao; năm 2022, tỉ số giới tính khi sinh của tỉnh ở mức 120.7 trẻ trai/100 trẻ gái, cao hơn mức trung bình của cả nước là 113.7 trẻ trai/100 trẻ gái; tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại thấp, …
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 137/NQ-CP của Chính phủ cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện Chương trình hành động số 45-CTr/TU của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 199/KH-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành để thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của tỉnh để triển khai công tác dân số có chất lượng, hiệu quả; tăng cường sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động về công tác dân số; đổi mới, đa dạng các hình thức, phương pháp tuyên truyền, truyền thông phù hợp từng nhóm đối tượng, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập trung khai thác phát triển những lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông mới; đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi; đảm bảo hậu cần và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; huy động bổ sung nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được cấp từ Trung ương, địa phương./.