Một góc thành phố Bắc Ninh hôm nay. Ảnh: bacninh.gov.vn

Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Trong Lời kêu gọi, Người chỉ rõ: Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mọi mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa… Ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc.

Người khẳng định: Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chẳng những chúng ta có thể thắng lợi, mà chúng ta nhất định thắng lợi trong thi đua ái quốc. Lời hiệu triệu của Người đã mở đầu cho các phong trào thi đua yêu nước phát triển, trở thành cao trào cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng nước ta.

70 năm qua, thực hiện Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Bắc Ninh luôn đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng của quê hương, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước... góp phần cùng dân và quân cả nước làm lên những kỳ tích mang tính thời đại.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với cả nước, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã tập trung lãnh đạo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước như: “Kháng chiến, kiến quốc”, “Tuần lễ ủng hộ kháng chiến”, “Mùa đông chiến sĩ”, “Bình dân học vụ”, “Lá lành đùm lá rách”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”,  “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “5 tấn thóc trên 1 ha gieo trồng”… góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ - lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; chi viện nhân lực, vật lực, tài lực cho sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và thời kỳ đổi mới, các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được đẩy mạnh như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Thanh niên lập nghiệp", "Ðền ơn đáp nghĩa", "Vì Trường  Sa thân yêu"...  góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và tăng cường hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, sau hơn 20 năm tái lập tỉnh (1/1/1997), với cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước như: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cả nước chung tay vì người nghèo”… đã góp phần đưa Bắc Ninh từ một tỉnh thuần nông trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2022 trở thành tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2017, tổng sản phẩm (GRDP) của Bắc Ninh chiếm 3,25% GDP cả nước, đứng vị trí thứ 4 toàn quốc; tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 19,12% (gấp hơn 2 lần so với kế hoạch đề ra); kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục với 29,85 tỷ USD, chiếm 14,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đứng vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố; công tác thu hút đầu tư đã tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn, đầu tư nước ngoài với 1.112 dự án, vốn FDI lũy kế đến nay là 16,1 tỷ USD đứng vị trí thứ 5 toàn quốc; Giáo dục- Đào tạo xếp thứ nhất toàn quốc về tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 91,4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%, đứng thứ 6 toàn quốc; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,06%; là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về thực hiện chính sách an sinh và phúc lợi xã hội; công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, người có công hoàn thành sớm (về đích sớm 3 năm so với kế hoạch cả nước); thành phố Bắc Ninh trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh.

Để các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục là động lực cho sự phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, cần tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, tổ chức học tập, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tác dụng to lớn của phong trào thi đua yêu nước trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuyên truyền và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 60 năm Bác Hồ 5 lần về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh (2018, 2019).

Hai là, các cấp, các ngành cần xây dựng chương trình hành động cụ thể trong thực hiện các phong trào thi đua; kịp thời phát hiện, cổ vũ, động viên các gương điển hình, gương người tốt việc tốt, nhất là trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong tổ chức thực hiện.

Ba là, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động lớn của Ðảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, gắn với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải cách hành chính; ứng dụng khoa học, kỹ thuật; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, quê hương.

Bốn là, tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả 03 phong trào thi đua trọng tâm “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, làm nòng cốt cho các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh, hướng vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra./.

Trần Văn Vững