(ĐCSVN) - Nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã tăng cường dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hình thức như: Đối thoại doanh nghiệp, tổ chức chương trình Cà phê doanh nhân, công bố số điện thoại đường dây nóng... để tiếp nhận và giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Tiến Nhường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cùng lãnh đạo các sở, ngành đối thoại với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn. Ảnh QĐ

Với quan điểm doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương, những năm qua, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh Bắc Ninh đã thực sự đồng hành của sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đó, hàng năm Bắc Ninh đã thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tạo điều kiện cho đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, Bắc Ninh cũng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Việc hỗ trợ được thực hiện một cách đồng bộ toàn diện và sát với những nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Song song với việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; Bắc Ninh còn quan tâm thực hiện tốt việc hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp lý; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh…

Được đánh giá là một mô hình mang tính đột phá trong những hỗ trợ doanh nghiệp, “Bác sĩ doanh nghiệp Bắc Ninh” là một dự án do Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh nghiên cứu và phát triển; Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng với sự hỗ trợ của Chính phủ Australia do Quỹ Châu Á quản lý. Theo đó, mạng lưới chuyên gia của mô hình Bác sĩ doanh nghiệp được chia làm 3 nhóm: chuyên gia chiến lược; chuyên gia tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chuyên gia tư vấn quản trị kinh doanh. Các nhóm chuyên gia sẽ trực tiếp tiếp nhận các ý kiến, phản ánh của doanh nghiệp về những vướng mắc, khó khăn. Trên cơ sở đó, các chuyên gia sẽ phân tích, đánh giá và đưa ra giải pháp tư vấn, giúp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng các yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động của “Bác sỹ doanh nghiệp Bắc Ninh” còn có quan hệ tương hỗ với Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giúp Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh điều phối, thực hiện tốt sự phối hợp trong hoạt động của các Sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương về công tác hỗ trợ doanh nghiệp, trọng tâm là kịp thời nắm bắt, giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đa dạng hóa kênh thông tin phản ánh, tiếp nhận và phản hồi, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp; ngăn ngừa các việc làm của các cơ quan Nhà nước có thể gây phiền hà cho doanh nghiệp, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh thân thiện, an toàn, minh bạch hơn. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Nhân Phượng, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh cho biết: Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả hoạt động của mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp Bắc Ninh”. 100% ý kiến của doanh nghiệp qua email, điện thoại di động, điện thoại cố định… đều được các nhóm chuyên gia tiếp nhận và xử lý. Hoạt động của mô hình đã giúp doanh nghiệp tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

 

Bắc Ninh tăng cường đối thoại với doanh nghiệp. (Video: QĐ)

Tìm hiểu được biết, “Bác sĩ doanh nghiệp Bắc Ninh” chỉ là một trong số rất nhiều mô hình, hoạt động đã được tỉnh Bắc Ninh triển khai nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, UBND tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức 03 hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn. Để bảo đảm việc hỗ trợ có tính ổn định và bền vững, Bắc Ninh còn thực hiện khá tốt các dịch vụ về hỗ trợ doanh nghiệp như: Cung cấp thông tin tư vấn pháp luật, các dịch vụ công nghệ, dịch vụ đào tạo bồi dưỡng về quản trị kinh doanh. Qua đó giúp doanh nghiệp nắm bắt pháp luật, giảm thiểu các rủi ro pháp lý, nhất là trong quan hệ với đối tác nước ngoài; nâng cao năng lực điều hành kinh doanh, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và năng lực cạnh tranh… Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, các sở, ngành và cộng đồng doanh nghiệp đã đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu rào cản gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được đăng ký thành lập dễ dàng hơn trước. UBND tỉnh cũng từng bước xây dựng các văn bản pháp lý quy định khung hỗ trợ đối với các doanh nghiệp về nhiều lĩnh vực như: Hỗ trợ sáng tạo; tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… để trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.

Theo TS Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Cùng với việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, Bắc Ninh cũng sẽ quan tâm đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp sau thành lập. Đồng thời, nâng cao chất lượng triển khai chương trình tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng xử lý, trả lời trực tiếp tại hội nghị, gặp gỡ, trao đổi, giải quyết qua mô hình Cà phê doanh nhân...

Có thể nói, với những cách làm linh hoạt, phong phú, tỉnh Bắc Ninh đã và đang triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Không chỉ trực tiếp giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp còn là cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội toàn tỉnh phát triển hướng đến thực hiện mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022./.

Quang Đạo