Dịch vụ khoa học - công nghệ là một trong lĩnh vực được ưu tiên
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng vừa ký, ban hành Chương trình hành động số 151/CTr-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của Chương trình hành động nhằm phát triển khu vực dịch vụ trở thành khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong kinh tế tỉnh, là một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương, là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và cả nước.
Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 9,5 - 10%, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh; đến năm 2025, tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm khoảng 18,3% trong cơ cấu của kinh tế tỉnh. Giai đoạn 2026 - 2030, khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 11,5 - 12%/năm và chiếm khoảng 21,8% trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh.
Để đạt được mục tiêu, một trong những giải pháp đặt ra là tập trung phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên. Trong đó, đối với dịch vụ du lịch, dựa trên thế mạnh về tài nguyên du lịch của tỉnh để tạo ra hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng, đặc sắc, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; phát triển sản phẩm du lịch “xanh”, ưu tiên phát triển du lịch văn hóa, cộng đồng, du lịch đường sông, du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp. Thực hiện xây dựng Đề án phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ, phát triển kinh tế ban đêm; phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống gắn với du lịch. Đẩy nhanh quy hoạch và thực hiện đầu tư phát triển khu, điểm du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí... Phát triển hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đảm bảo chất lượng, hiện đại, tiện nghi, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của du khách. Đồng thời, chú trọng phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá và thương hiệu du lịch, tập trung thu hút có lựa chọn các phân khúc thị trường khách du lịch...
Về dịch vụ logistics và vận tải, chú trọng hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại; phát triển vận tải đa phương thức. Đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics, vận tải thủy; tái cấu trúc logistics, thúc đẩy sự phát triển các loại hình logistics trong nước. Đồng thời, gắn kết công nghệ thông tin trong logistics; phát triển đa dạng các trung tâm phân phối tại các đô thị lớn nhằm phục vụ thị trường bán lẻ, các trung tâm logistics gần các khu công nghiệp sản xuất, chế biến xuất khấu. Quy hoạch hệ thống cảng cạn, đường sắt, đường bộ đồng bộ; khuyến khích đầu tư tư nhân, doanh nghiệp và mô hình hợp tác công tư (PPP).
Đối với dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số; triển khai hình thành hạ tầng mạng thông tin di động 5G phục vụ cho phát triển. Tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu quốc gia. Cùng với đó, phát triển doanh nghiệp công nghệ số; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ…
Với dịch vụ tài chính - ngân hàng, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, ngân hàng; phát triển mạng lưới hệ thống ngân hàng gắn với phát triển dịch vụ và thị trường tài chính, phục vụ sản xuất và đời sống; phát huy ưu việt của hệ thống tín dụng phục vụ chính sách an sinh xã hội.
Bên cạnh các ngành dịch vụ ưu tiên, các ngành dịch vụ khác cũng được tập trung phát triển gồm: Dịch vụ khoa học và công nghệ; Dịch vụ phân phối; Dịch vụ y tế; Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh; Dịch vụ giáo dục và đào tạo./.