Theo đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với đề án tái cơ cấu, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020; kế hoạch chuyển đổi nội bộ đất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020; đồng thời quy hoạch được các vùng sản xuất chuyên canh, mở rộng quy mô phát triển những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng, làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất và dân sinh. Nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh thời gian qua có sự chuyển biến tích cực, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung như vùng nuôi trồng thuỷ sản tại huyện Gia Bình, Lương Tài; vùng khoai tây huyện Quế Võ, vùng cà rốt ven sông Thái Bình…
Sản phẩm lá tía tô xanh tại huyện Lương Tài được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản (Nguồn: baobacninh.com)
Đặc biệt, nổi bật trong kinh tế nông nghiệp của Bắc Ninh những năm qua là các địa phương trong toàn tỉnh đã tập trung đổi mới hình thức tổ chức sản xuất. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở của Bắc Ninh đã quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn. Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh đã có 2.846 hộ VAC. Trong đó 248 hộ đủ tiêu chí trang trại với tổng vốn đầu tư 628,3 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 8 vùng sản xuất an toàn đạt tiêu chuẩn VietGap; 5 vùng sản xuất lúa an toàn đạt tiêu chuẩn VietGap tổng diện tích 110 ha; 28 mô hình sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính với tổng diện tích khoảng 23 ha, thu nhập vùng hoa cây cảnh hơn 500 triệu đồng/năm (Tiên Du, thị xã Từ Sơn, thành phố Bắc Ninh)... Trong đó mô hình trồng rau tía tô trong nhà kính tại huyện Lương Tài (Công ty May mặc Hồ Gươm) xuất khẩu sang Nhật Bản một năm cho thu nhập khoảng 3 tỷ đồng/ha. Có 54 trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, trong đó có nhiều cơ sở ứng dụng CNTT hiện tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất, quản lý đàn giống... 165 vùng nuôi cá trong ao đất (quy mô 10 ha trở lên) với tổng diện tích 3.229 ha, trong đó có 11 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGap, cho thu nhập 250 triệu đồng/ha/năm... Sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, đa dạng phong phú về hình thức tổ chức sản xuất, từng bước phát huy được lợi thế về tiềm năng đất đai, lao động của các địa phương, từ đó hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Phương thức chăn nuôi chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại theo hướng sản xuất hàng hoá lớn. Trong đó, các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn thay thế dần chăn nuôi trong khu dân cư, từ đó hình thành cơ sở sản xuất kinh doanh VAC, trang trại trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi trồng thuỷ sản, kinh doanh tổng hợp phát triển từ đó cung cấp sản phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng hoa lan quy mô lớn theo hướng hàng hóa ở Bắc Ninh (Ảnh: QĐ)
Bắc Ninh cũng thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn; kết nối doanh nghiệp với các hợp tác xã (HTX) và nhóm hộ nông dân tập trung ruộng đất, hình thành một số chuỗi liên kết, phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Thực tế thời gian qua cho thấy, sự phát triển của sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã góp phần thúc đẩy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sử dụng đất đai và các nguồn lực khác có hiệu quả hơn kinh tế hộ; tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân và bước đầu hình thành các quan hệ hợp tác mới trong sản xuất. Khao học ký thuật, công nghệ cao đã được chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như nuôi cá thâm canh, chăn nuôi lợn, gà công nghiệp… Trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Ninh đã hình thành và phát triển 41 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, tập trung vào các cây trồng chính như lúa năng suất, chất lượng cao; rau, màu chuyên canh; hoa, cây cảnh và trồng cây ăn quả… Tại các địa phương đang có 50 donh nghiệp, trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, điển hình là Tập đoàn Dabaco, chăn nuôi khép kín từ khâu sản xuất giống, thức ăn, nuôi dưỡng, giết mổ, chế biến, tiêu thụ. Đặc biệt, sản xuất thủy sản theo hướng hàng hóa có tốc độ phát triển khá ổn định về diện tích và tổng sản lượng thủy sản. Năm 2018, toàn tỉnh hiện có 5.192 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản, cho sản lượng 37.210,4 tấn; trong đó có 165 vùng nuôi cá trong ao đất tập trung, 22 vùng nuôi cá lồng trên sông với 1.620 lồng, đưa giá trị nuôi trồng thủy sản tăng vượt trội.
Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Hữu Trượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh, quá trình đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa của nông dân trên địa bàn tỉnh hiện còn gặp khá nhiều khó khăn. Một số địa phương còn thiếu quy hoạch đồng bộ về cơ sở hạ tầng, khó khăn về vốn, đất đai chưa được giải quyết triệt để. Việc liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị chưa tốt; việc nắm bắt nhu cầu thị trường chưa thường xuyên, kịp thời; việc điều hành tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm; chưa hình thành được nhiều HTX chuyên ngành phục vụ sản xuất. Để khắc phục những khó khăn nói trên, các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; xây dựng có kế hoạch đào tạo, tập huấn ký thuật sản xuất cho người sản xuất gắn với khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản, liên kết với trang trại, HTX, VAC để xây dựng các chuỗi sản phẩm có giá trị cao, quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc nông sản, thực phẩm trên thị trường.
Có thể thấy, việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở Bắc Ninh đã trực tiếp góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân tại các vùng nông thôn ngày càng được nâng lên./.