Bắc Ninh tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Hơn 20 năm trước, tại thời điểm tái lập tỉnh (năm 1997), cả tỉnh Bắc Ninh mới chỉ có 04 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký là 177,6 triệu USD. Đến đầu năm 2018, toàn tỉnh Bắc Ninh đã thu hút được gần 1.300 dự án FDI với số vốn đăng ký đạt trên 16 tỷ USD, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về thu hút FDI. Trong đó, riêng trong năm 2017, tỉnh Bắc Ninh đã thu hút số vốn FDI là 3,4 tỷ USD, chiếm 9,5% tổng số vốn FDI của cả nước.

Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, cùng với việc tăng trưởng về số lượng dự án, dòng vốn FDI đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh còn được các nhà quản lý đánh giá khá cao về hiệu quả đầu tư khi có sự tham gia của hàng loạt những tập đoàn kinh tế lớn. Điển hình là những dự án của các tập đoàn như: Samsung (Hàn Quốc), Nokia (Phần Lan), ABB (Thụy Điển), Canon (Nhật Bản)… Trong đó, Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Bắc Ninh. Được cấp phép đầu tư năm 2014, đến nay, tập đoàn này đã trải qua nhiều lần tăng vốn (hiện tổng số vốn Samsung đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh lên tới 6,5 tỷ USD).

Qua thống kê, đến nay, các dự án FDI đầu tư mới vào Bắc Ninh chủ yếu hoạt động các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; bước đầu phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường… Đồng thời, nhiều dự án đã hướng vào phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành công nghiệp chủ lực; chú trọng đẩy mạnh công nghiệp chế tạo gắn kết doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI. Do đó, khu vực FDI đã có nhiều đóng góp tích cực vào tăng trưởng xuất khẩu, thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động. Hiện các doanh nghiệp FDI tại Bắc Ninh đang tạo việc làm cho 169.144 người lao động, chiếm 25,5% lao động trên toàn tỉnh.

Một góc Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh), nơi tập trung nhiều doanh nghiệp FDI. Ảnh QĐ

Có được những kết quả trên, theo đồng chí Nguyễn Hữu Quất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh, đó là do cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh đã quán triệt, vận dụng tốt quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thu hút và sử dụng tốt các nguồn vốn đầu tư… Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng thường xuyên gặp mặt các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, nâng cao hiệu quả các khu, cụm công nghiệp trong thu hút đầu tư. Cùng với việc coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, tỉnh còn thành lập Tổ hỗ trợ doanh nghiệp để trực tiếp giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp khi có thông tin phản ánh đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Các Sở, ban, ngành cũng tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống thể chế, kiên quyết giảm thời gian giải quyết công việc cho doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn nhiều vướng mắc như đất đai, xây dựng, lao động, hải quan, thuế…nhằm tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển. Nhờ đó, Bắc Ninh tiếp tục thu hút nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn lớn vào tỉnh. Đến nay, tỉnh Bắc Ninh là điểm đến của nhà đầu tư từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng vốn đầu tư đạt trên 16 tỷ USD.

Mặt khác, theo nhiều chuyên gia kinh tế, một yếu tố quan trọng khác khiến tỉnh Bắc Ninh có được sức hút với các doanh nghiệp nước ngoài, đó là Bắc Ninh sớm có chính sách định hướng kinh tế khoa học, ổn định. Cụ thể, chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã sớm có định hướng và xác định công nghiệp là động lực chính để phát triển kinh tế. Do đó, nếu như năm 1997, tỷ trọng nông nghiệp chiếm ưu thế với 45% giá trị sản xuất kinh tế Bắc Ninh thì đến năm 2017, tỷ trọng công nghiệp đã vươn lên 73,7% giá trị sản xuất kinh tế toàn tỉnh. Năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh đạt trên 979 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 1.500 lần so với thời điểm năm 1997. Sự gia tăng của dòng vốn FDI cũng góp phần giúp chỉ số bình quân thu nhập theo đầu người của tỉnh Bắc Ninh tăng nhanh. Hiện tại GDP của tỉnh Bắc Ninh đang gấp 2,3 lần bình quân của cả nước. Mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại của Bắc Ninh vào năm 2020 là hoàn toàn có thể đạt được khi Bắc Ninh đang thực sự là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn.

Nhìn một cách tổng thể, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội Bắc Ninh phát triển. Tuy nhiên, có một thực tế là đến nay, các dự án FDI trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam đạt tiêu chuẩn sản xuất, cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI như Samsung,Canon… còn thấp so với yêu cầu của nhà đầu tư. Về cơ bản, các doanh nghiệp trong nước mới dừng lại ở việc tham gia vào các khâu gia công phụ kiện đơn giản. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp FDI còn bộc lộ hạn chế như tranh chấp về quyền lợi giữa công nhân với chủ sử dụng lao động, an toàn lao động; hoạt động ảnh hưởng đến môi trường…

Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn chỉnh định hướng và chiến lược thu hút FDI dài hạn. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc cải thiện môi trường đầu tư thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây được coi là hướng đi hiệu quả nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội Bắc Ninh tiếp tục phát triển; đồng thời, góp phần sớm đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai gần./.

Nhóm PV