Đồng chí Nguyễn Hương Giang – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: Sỹ Tấn
Dự phiên họp có đồng chí Nguyễn Hạnh Chung, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; các thành viên UBND tỉnh; lãnh đạo các ban ngành đoàn thể của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Nội dung báo cáo cho thấy, tổng sản phẩm kinh tế của tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 (giá SS năm 2010) ước 53.183 tỷ đồng, giảm 3,3% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế: khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 74,3%; dịch vụ chiếm 22,4%; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 3,3%. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước 464 nghìn tỷ đồng. Xuất khẩu hàng hóa ước 14,7 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ; nhập khẩu ước hơn 13 tỷ USD, tăng 9%.
Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 14.565 tỷ đồng, bằng 49,7% dự toán năm, giảm 5% so cùng kỳ, trong đó, thu nội địa 11.615 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách là 9.577,5 tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 11,7%, trong đó chi đầu tư phát triển là 5.985 tỷ đồng. Cấp mới 87 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 169,5 triệu USD và cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh vốn 42 dự án với tổng vốn điều chỉnh tăng 180,3 triệu USD.
Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế phát triển. Bắc Ninh đứng thứ nhất về chất lượng giải, đứng thứ hai về tỷ lệ học sinh đạt giải so với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng tại kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia. Thực hiện tốt kế hoạch tuyên truyền và tổ chức các hoạt động chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Công tác an sinh và phúc lợi xã hội luôn được quan tâm ở mức cao hơn so với cả nước.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đẩy mạnh gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Có 94/94 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 01 xã so với năm 2019; 07 đơn vị cấp huyện đạt tiêu chí huyện nông thôn mới.
Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh và hiệu quả. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xếp hạng rất tốt, đứng vị trí 4 toàn quốc; chỉ số cải cách hành chính công (PAR INDEX) đứng thứ 18; chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index) đứng thứ 6, trở lại top 10 tỉnh cao nhất cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm còn một số tồn tại, hạn chế như: Tăng trưởng kinh tế của tỉnh giảm; các ngành kinh tế công nghiệp, thương mại, dịch vụ… gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách nhà nước giảm; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn đầu tư từ khu vực FDI còn chậm, đạt tỷ lệ thấp; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số công trình, dự án quan trọng còn nhiều khó khăn...
Trên cơ sở dự báo tình hình những tháng còn lại, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ “kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch Covid-19, phấn đấu đạt mục tiêu tổng sản phẩm kinh tế (GRDP) cả năm 2020 tăng 5,4% so với năm 2019.
Trong đó, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; đánh giá kịp thời những yếu tố tác động làm ảnh hưởng đến nguồn thu trên địa bàn làm căn cứ để điều hành nhiệm vụ và đảm bảo hoàn thành dự toán thu ngân sách.
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy tiến độ triển khai thực hiện bồi thường GPMB các Khu công nghiệp, đặc biệt là Khu công nghiệp Yên Phong II-C; Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh II…..
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời đơn thư, khiếu nại, tố cáo; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí. Củng cố quốc phòng – quân sự địa phương vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình “Sữa học đường”, chất lượng nuôi dạy trẻ trong các cơ sở giáo dục Mầm non được nâng lên rõ rệt; quy mô phát triển lớp học và tỷ lệ học sinh ra lớp cao. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ ở nhà trẻ giảm từ 3,35% xuống 1,6%, mẫu giáo từ 3,5% xuống 2,31%; thể thấp còi ở nhà trẻ giảm từ 4,5% xuống 3,5%, mẫu giáo giảm từ 5,0% xuống 4,0%. Chương trình đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là phụ huynh học sinh.
Giai đoạn 2020 - 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất thực hiện 2 phương án. Phương án 1 là thực hiện như giai đoạn 2017 - 2020. Phương án 2: năm học 2020 - 2021, thực hiện như giai đoạn 2017 - 2020; từ những năm học tiếp theo, trẻ ở độ tuổi nhà trẻ được uống 5 hộp 110 ml/tuần, trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học uống 5 hộp 180ml/tuần.
Kết luận nội dung trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, năm học 2020 – 2021, 2021 - 2022, sẽ thực hiện như giai đoạn 2017 - 2020 và bổ sung đối tượng thụ hưởng là trẻ ở các trung tâm bảo trợ xã hội, nhà tình thương, cơ sở mầm non ngoài công lập; mỗi trẻ được uống 3 hộp 180ml/tuần, trong 9 tháng thực học. Trong những năm tiếp theo, tỉnh sẽ điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế và khả năng ngân sách của tỉnh.
Phiên họp cũng thảo luận, thông qua Báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm trên các lĩnh vực: Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; thực hiện dự toán ngân sách; đảm bảo an ninh trật tự; thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng; thi hành án. Đồng thời cho ý kiến vào Đề án hỗ trợ công tác tuyên truyền và chăm lo đời sống công nhân lao động trong các KCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030; Điều chỉnh và bổ sung Kế hoạch thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phương án cho vay đối với phụ nữ khởi nghiệp; Sửa đổi Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phương án cho vay đối với thanh niên khởi nghiệp; Đề án Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2019 – 2025; Đặt tên đường thuộc huyện Thuận Thành./.