Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyêt số 29-NQ/TW

Có nhiều di tích, danh nhân, chiến công chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc. Bắc Ninh còn là nơi du nhập đầu tiên của Phật giáo Việt Nam và trở thành trung tâm Phật giáo lớn nhất của cả nước; quê hương của 1.589 di tích lịch sử, văn hóa (13 nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia; 4 di tích quốc gia đặc biệt).

Trong dòng chảy của nền văn minh sông Hồng, Kinh Bắc đã sáng tạo nên một kho tàng các di sản văn hóa đặc sắc; vùng đất trăm nghề với những nghệ nhân vô cùng khéo léo, được mệnh danh là xứ sở của lễ hội dân gian truyền thống, nhất là dân ca quan họ với những làn điệu mượt mà, đằm thắm, say đắm lòng người, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; thể hiện sự hội tụ và kết tinh sinh động, phong phú các giá trị văn hóa tinh thần và những tài sản quý báu, chứa đựng và thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc ở vùng đất và con người "xứ Kinh Bắc". Những đặc điểm đó là nền tảng hun đúc lên truyền thống giáo dục – khoa bảng của Bắc Ninh – Kinh Bắc.

Kinh Bắc-Bắc Ninh nổi tiếng là vùng đất hiếu học khoa bảng, nhiều người học giỏi, văn hay chữ tốt nên thời nào cũng đều có những bậc hiền nhân làm vẻ vang quê hương, đất nước. Trong gần 1000 năm của chế độ phong kiến, số người Kinh Bắc đỗ đạt giữ vị trí hàng đầu, nhận được sự cảm phục của giới trí thức trong cả nước như câu ca xưa: “Một giỏ Sinh đồ, một bồ Tiến sỹ, một bị Trạng Nguyên, một thuyền Bảng nhỡn”, với số người đỗ Đại khoa (Tiến sỹ) cao nhất với 669 vị, chiếm 1/3 số vị Đại khoa trong cả nước thời phong kiến cùng 17 Trạng nguyên và hàng nghìn Cử nhân, Tú tài…. Càng tự hào hơn nữa khi Bắc Ninh – Kinh Bắc là quê hương của Lê Văn Thịnh - người đỗ đầu trong khoa thi đầu tiên của nhà nước phong kiến - khoa Ất Mão (năm 1075); Nguyễn Quán Quang (Tam Sơn) - vị Trạng nguyên khai khoa trong khoa thi Bính Ngọ (1246) khi nhà nước phong kiến Việt Nam chính thức đặt học vị Tam khôi (Trạng nguyên, Bản Nhãn, Thám Hoa); “Lưỡng quốc Trạng nguyên” Nguyễn Đăng Đạo; là địa phương có nhiều làng truyền thống khoa bảng, nhiều dòng họ nối đời có người đỗ Đại khoa như Tam Sơn: 17 vị; Hương Mạc: 11 vị; Phù Khê, Vĩnh Kiều: 10 vị; Tiêu biểu nhất là làng Kim Đôi: 25 vị… Nhiều vị trở thành các danh thần, võ tướng khi đỗ đạt bảng vàng, đem tài trí và tâm đức cống hiến cho quê hương đất nước, trở thành những danh nhân lịch sử - văn hóa, được ghi vào sử sách và được nhân dân nhớ ơn, thờ phụng tiêu biểu như Lê Văn Thịnh, Hàn Thuyên, Huyền Quang (Lý Đạo Tái), Nguyễn Quan Quang, Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Xuân Chính, Nguyễn Công Hãng, Nguyễn Cao…

Trong thời kỳ đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ đất nước, Bắc Ninh cũng có nhiều người con ưu tú như: Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo... và nhiều đồng chí khác được lưu danh.

Trong thời kỳ đổi mới, nền giáo dục Bắc Ninh lại càng khẳng định được vị thế của một tỉnh có nền giáo dục nằm trong tốp đầu của cả nước. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” , mặc dù còn một số ít các hạn chế, khó khăn nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các ban, bộ, ngành Trung ương; sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, trách nhiệm các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là sự vận dụng linh hoạt, nhạy bén của cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên trong tỉnh, ngành giáo dục Bắc Ninh tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ, nổi bật là:

1. Toàn ngành đã tích cực tham mưu và triển khai kịp thời, hiệu quả các nghị quyết, đề án, kế hoạch được Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành, nhất là Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

2. Quy mô, mạng lưới giáo dục của tỉnh tiếp tục được mở rộng, bố trí hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân. Cơ sở vật chất trường học, xây dựng trường chuẩn quốc gia được đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng đồng bộ và hiện đại với tỷ lệ 100% trường công lập được kiên cố hóa; Chương trình “Sữa học đường” tiếp tục được triển khai hiệu quả ở 100% các cơ sở giáo dục mầm non và các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh; chất lượng đội ngũ các cấp học tiếp tục được nâng lên với tỷ lệ 96,7% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn; trình độ trên chuẩn đạt 40,6%, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục và triển khai, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

3. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học trong các đơn vị, cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh tiếp tục được chỉ đạo thực hiện hiệu quả; triển khai sáng tạo các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, đào tạo theo kế hoạch và nhiệm vụ năm học; góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 87-NQ/TU ngày 15/3/2023 của Tỉnh uỷ về xây dựng “Tỉnh An toàn giao thông”.

4. Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, truyền thống văn hóa cho học sinh, sinh viên theo Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Kết luận số 42-KL/TU ngày 04/12/2020 của Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/8/2016 của Tỉnh ủy về “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2020 - 2030” tiếp tục được chỉ đạo triển khai, thực hiện hiệu quả.

Đẩy mạnh việc thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; tiếp tục duy trì hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng cấp xã; nâng cao chất lượng xây dựng văn hóa học đường thông qua việc ban hành Đề án “Tư vấn học đường trong trường phổ giai đoạn 2022 - 2025” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch triển khai thực hiện công tác văn hóa học đường năm học 2022 - 2023.

5. Công tác quản lý, chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập đã tạo chuyển biến rõ nét, tích cực về chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng giáo dục mũi nhọn. Số học sinh đạt giải khu vực và quốc tế ngày càng tăng. Đặc biệt, trong năm 2023, tỉnh Bắc Ninh ghi dấu đặc biệt khi có tỷ lệ học sinh đạt giải quốc gia nhiều nhất cả nước, với hơn 90,8% số lượng thí sinh dự thi, tăng 2,8% so với năm học 2021 – 2022; tỉnh có số lượng học sinh được chọn là thành viên chính thức của đội tuyển Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và Olympic khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2023 nhiều nhất cả nước, với 7/15 học sinh.

Càng tự hào hơn nữa khi kết quả các kỳ thi được công bố. Tại Kỳ thi khu vực năm 2023: Kỳ thi Olympic Vật lí Châu Á (APhO) tại Mông Cổ từ ngày 21/5 đến ngày 29/5/2023:  tỉnh có 02 học sinh đoạt huy chương đồng với số điểm cao đứng nhất, nhì của Đội tuyển Việt Nam và tiếp tục là thành viên của Đội tuyển Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Vật lí quốc tế (IPho) năm 2023 được tổ chức tại Nhật Bản từ ngày 09/7/2023 đến ngày 18/7/2023; 01 học sinh đạt HCV, 01 học sinh đạt HCB tại kỳ thi Olympic Hoá học quốc tế Al-Beruniy lần thứ nhất từ ngày 11/6/2023 đến ngày 17/6/2023 tại Uzebekistan và 01 học sinh đạt HCĐ tại kỳ thi Olympic Vật lý Châu Âu (EuPho) từ ngày 15/6/2023 đến ngày 22/6/2023 tổ chức tại Cộng hoà liên bang Đức. Về Dự thi Olympic quốc tế năm 2023: Tỉnh Bắc Ninh cũng có 04 học sinh tham dự ở các môn Toán (01 học sinh), Vật lý (02 học sinh), Hóa học (01 học sinh).

6. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ  tiếp tục được duy trì, củng cố vững chắc ở mức cao theo Nghị định số 20/2014/NĐ-CP của Chính phủ: Duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ 2; 126/126 số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 và xóa mù chữ với tỷ lệ người dân biết chữ trong độ tuổi 15 - 60 đạt trên 99,0%.

7. Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai, thực hiện hiệu quả đối các cấp học theo kế hoạch và lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

8. Công tác cải cách hành chính và ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong quản lý và dạy học được tăng cường đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục; các đơn vị, cơ sở giáo dục thực hiện cải cách hành chính, gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin; duy trì và triển khai bổ sung các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt các dịch vụ công phục vụ người dân, cha mẹ học sinh, học sinh. Đến nay, 62 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết tại Trung tâm Hành chính công tỉnh được áp dụng thực hiện

9. Công tác quản lý chỉ đạo có nhiều đổi mới; hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra được nâng cao. Phong trào thi đua sáng tạo trong “Dạy tốt, Học tốt, Quản lý tốt”; công tác truyền thông giáo dục tiếp tục được quan tâm, đổi mới.

Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến sâu sắc, tác động lớn đến ngành giáo dục, nhất là cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0; đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặt ra nhiều vấn đề mới. Thêm vào đó, những tồn tại, hạn chế của giáo dục và đào tạo Bắc Ninh chưa được khắc phục triệt để. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và các chương trình, kế hoạch, đề tài đã đề ra, trong thời gian tới, tỉnh thực hiện tốt hơn nữa một số nhiệm vụ sau đây:

Thứ nhất, cần tiếp tục phát huy thật tốt truyền thống hiếu học, khoa bảng của tỉnh thông qua việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của hội khuyến học các cấp, động viên sự cố gắng của mỗi người dân, nhất là cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên trong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, kế hoạch… của tỉnh đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo; góp phần thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Thứ hai, tiếp tục tập trung quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29, làm cho tinh thần Nghị quyết thấm nhuần trong toàn Đảng, toàn dân, mọi người nhận thức đầy đủ, sâu sắc thời cơ, thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua. Tỉnh cần cần rà soát những việc đã làm được, những việc chưa làm được, để từ đó, cụ thể hóa phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ thành các chương trình, kế hoạch, đề án với tinh thần quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn, phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy và học sâu rộng, tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đưa Nghị quyết 29 ngày càng đi sâu vào cuộc sống, qua đó góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa Bắc Ninh tiếp tục tiến lên mạnh mẽ, phấn đấu đến trước năm 2030, trở thành thành phố có công nghiệp phát triển, hiện đại, văn minh, giàu đẹp, giàu bản sắc, phấn đấu là một trong những tỉnh đi đầu về chất lượng cuộc sống và sự hưởng thụ của nhân dân.

Thứ ba, đẩy mạnh việc xã hội hóa giáo dục, nhất là việc xây dựng các cơ sở giáo dục ngoài công lập góp phần đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học. Phối hợp với các Trường Đại học hoàn thiện và đưa vào hoạt động hiệu quả các cơ sở đóng trên địa bàn tỉnh.

Với truyền thống lịch sử vẻ vang của một vùng đất hiếu học, khoa bảng; với những thành tựu to lớn đã đạt được, cùng với ý chí vươn lên phát triển và quyết tâm mới, khí thế mới, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh sẽ đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tiếp tục tiếp tục đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, thực hiện thắng lợi và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết 29 đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, xây dựng nền giáo dục Bắc Ninh toàn diện, vững chắc, góp phần quan trọng trong xây dựng tỉnh ngày càng phát triển bền vững, theo hướng văn minh, dân tộc, hiện đại.

Đặng Khánh Toàn,

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Theo Báo Bắc Ninh