Hát Quan họ trên thuyền là hoạt động thu hút đông đảo nhân dân và du khách khi trảy hội. 

 Dòng người nườm nượp đến chùa lễ Phật cầu phúc, chiêm ngưỡng những kiệt tác nghệ thuật độc đáo, người sau nối tiếp người trước thành vòng tròn quanh tòa Cửu phẩm Liên hoa, vừa xoay “cối kinh”, vừa cầu phúc, cầu bình an và những điều thiện lành, tử tế. Trai thanh, gái lịch tham gia vào các hoạt động phần lễ, phần hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống...

Năm nay, lễ hội chùa Bút Tháp được tổ chức từ ngày 11 đến 13/5 (tức ngày 22 đến 24/3 âm lịch) gồm 2 phần: Phần lễ với các nghi lễ truyền thống như: Lễ cúng Phật, lễ dâng hương, cúng tổ… với sự tham gia của đông đảo người dân và du khách thập phương. Phần khai hội vào 8h sáng ngày 11/5 có các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao như: Thi thả chim bồ câu bay, thi đấu bóng chuyền hơi nữ, thi đấu cầu lông, cờ tướng, múa rối nước, vật truyền thống, giao lưu văn hóa văn nghệ… không chỉ thu hút người dân địa phương mà còn có sự tham gia, giao lưu của nhiều đoàn văn nghệ, thể thao ở các tỉnh, thành phố lân cận.

Thị xã Thuận Thành chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp triển khai bảo đảm nguồn điện phục vụ lễ hội, giữ gìn an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, phân luồng giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… để lễ hội chùa Bút Tháp năm 2023 diễn ra an toàn, lành mạnh, văn minh, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống quý báu của quê hương, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và du khách trảy hội.

Chùa Bút Tháp không chỉ là ngôi cổ tự lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia nhất cả nước, mà còn là một trong 4 di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh Bắc Ninh, ẩn chứa rất nhiều thông điệp vừa đạo vừa đời trên mỗi pho tượng và từng bức chạm...

Nổi tiếng bởi kiến trúc nghệ thuật độc đáo, Bút Tháp cổ tự còn thu hút sự quan tâm chú ý bởi những sứ mệnh Phật giáo và dân tộc. Đây là nơi mà Trạng nguyên Lý Đạo Tái - Huyền Quang quy y vào thế kỷ XIII, sau đó Hoàng Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc đến tu hành vào thế kỷ XVII và gắn với tên tuổi, sự nghiệp hành đạo của thầy trò thiền sư Chuyết Chuyết, Minh Hành...

Một trong những tư liệu sớm viết về chùa Bút Tháp là sách “Bắc Ninh phong thổ tạp kí” cho biết chùa có từ đời vua Trần Thánh Tông (1258 - 1278). Thiền sư Huyền Quang (Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm), người đỗ Trạng nguyên năm 1297 đã trụ trì tại đây. Theo nhà nghiên cứu người Pháp L.Bezacier trong tác phẩm “Những tiểu luận về nghệ thuật An Nam” có ghi chép: “Trạng nguyên Lý Đạo Tái, sinh năm 1254 quê ở làng Vạn Tư, huyện Gia Định, đỗ Trạng nguyên năm 1274, ông cáo quan về chùa Bút Tháp tu hành và mất năm 1333”. Như vậy thông tin từ các tài liệu trên cho thấy chùa Bút Tháp có lịch sử từ thời Trần.

Sau đó giới nghiên cứu chưa tìm được thêm tài liệu nào ghi chép về diễn biến của ngôi chùa, cho đến thế kỷ XVII, thời Lê Trung Hưng, chùa Bút Tháp được các quý tộc triều đình, đứng đầu là Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc cho trùng tu, xây dựng quy mô lớn theo kiểu nội công ngoại quốc với nhiều hạng mục công trình chạm khắc gỗ, đá nghệ thuật tinh xảo, trong đó có pho tượng gỗ đặc sắc nổi tiếng - Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay. Nhờ sự giúp đỡ to lớn về vật chất và tinh thần của hoàng gia - vua chúa nhà Lê-Trịnh cùng sự chỉ đạo sát sao của thiền sư Minh Hành, năm 1647 việc tu bổ xây dựng lại chùa hoàn tất và được đặt tên là Ninh Phúc thiền tự - biểu hiện ước vọng được Trời, Phật ban phúc lành cho dân chúng luôn bình yên, may mắn, thiện lành. 

Người dân địa phương kể rằng, tên chùa Bút Tháp mới có từ năm 1876, khi vua Tự Đức trong chuyến tuần du Bắc Hà qua làng Nhạn Tháp thấy cây tháp Báo Nghiêm như ngọn bút đang đề thơ lên nền trời nên gọi là Tháp Bút và tên chùa Bút Tháp bắt đầu được gọi từ đó.

Trải qua thăng trầm lịch sử, bao thế hệ, bao bậc tiền nhân chung tay bảo vệ, gìn giữ, chùa Bút Tháp trở thành một trong số hiếm ngôi chùa cổ được bảo tồn khá nguyên vẹn khối kiến trúc, đồ thờ tự, tượng cổ... Đây là một danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Bắc Ninh-Kinh Bắc thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan và cũng là một địa chỉ nổi bật cho các học giả, giới nghiên cứu đến tìm hiểu lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật dân tộc./.

Hải Hà