Học sinh trường mầm non tỉnh Bắc Ninh được uống Sữa từ chương trình Sữa học đường. Ảnh: thst.vn
Dự hội nghị có lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các Sở Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và một số sở, ngành liên quan, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố; Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk.
Bắt đầu từ năm 2013, chương trình “Sữa học đường”, chương trình an sinh xã hội chính thức được tỉnh triển khai thí điểm. Đến nay, Bắc Ninh có trên 88 nghìn học sinh các trường, cơ sở giáo dục Mầm non có từ 50 học sinh trở lên và trên 122 nghìn học sinh Tiểu học trong toàn tỉnh được thụ hưởng chương trình Sữa học đường. Mỗi tuần, học sinh được 3 lần uống sữa, mỗi lần 1 hộp với dung tích 180 ml, trong suốt 9 tháng thực học của năm học. Mỗi năm, Bắc Ninh có từ 1.700 - 2.000 trẻ Mầm non, Tiểu học thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, trẻ khuyết tật được thụ hưởng miễn phí. Chương trình Sữa học đường của tỉnh đã góp phần tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp theo từng năm học. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi năm sau giảm hơn năm học trước. Ở bậc học Mầm non, năm 2017, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở nhà trẻ là 3,35%; đến năm 2020 giảm xuống còn 1,6%; mẫu giáo giảm từ 3,5% xuống 2,31%...
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao ý nghĩa, tác động xã hội, tính ưu việt của chương trình Sữa học đường, đặc biệt giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, quá trình triển khai chương trình Sữa học đường của tỉnh còn một số khó khăn… Giai đoạn 2020-2025, Ban Chỉ đạo chương trình “Sữa học đường” xây dựng 2 phương án, theo lộ trình cụ thể từng năm học, trong đó phương án 1 thực hiện như hiện tại, mỗi trẻ được uống 3 hộp sữa/tuần, 180ml; phương án 2, từ năm học 2021-2025, mỗi trẻ được uống 5 hộp sữa/tuần, trong đó trẻ nhà trẻ 110ml, trẻ mẫu giáo, học sinh Tiểu học 180ml. Kinh phí thực hiện phương án 2 là cả giai đoạn là hơn 1.500 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với phương án 1.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Sữa học đường tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh: Chương trình “Sữa học đường” giai đoạn 2017-2020 đạt kết quả tốt với mục tiêu chính của chương trình là chống suy dinh dưỡng và thấp còi của trẻ, cơ bản bảo đảm an toàn; quá trình thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh với các trường. Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD& ĐT) với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cần tiếp thu ý kiến đóng góp các bậc phụ huynh, trên cơ sở căn cứ khoa học, thực tiễn tiếp tục bổ sung hoàn thiện Báo cáo, đề xuất hướng khắc phục hạn chế để chương trình đạt hiệu quả hơn. Ngành GD&ĐT cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ngành liên quan, đặc biệt là Ban An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế… Yêu cầu các thành viên trong Ban Chỉ đạo, UBND cấp huyện, cần tiếp tục phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền để phụ huynh học sinh hiểu rõ được hiệu quả của chương trình và quá trình thực hiện trong thời gian tới, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Sở GD&ĐT tiếp tục xây dựng, hoàn thiện kế hoạch trình UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh trong thời gian sớm nhất./.