Liền anh, liền chị hát quan họ trên thuyền ở phía đầu đường tiến vào hội Lim.


Vùng đất Kinh bắc từ xa xưa đã nổi tiếng với những làn điệu dân ca quan họ say đắm lòng người, với bộ áo năm tà, tứ thân tha thướt dịu dàng và những liền anh, liền chị với giọng ca mượt mà, đằm thắm… Đặc biệt trong những ngày đầu năm, khách thập phương nô nức trẩy hội Lim (Tiên Du, Bắc Ninh) khiến cho không khí của quê hương quan họ càng quyến luyến lòng người. Về hội Lim những ngày này, du khách sẽ dễ dàng nhìn thấy hình ảnh những miếng trầu têm cánh phượng duyên dáng lạ thường từ bàn tay khéo léo của những chị Hai, chị Ba.

Trầu têm cánh phượng (cũng còn được gọi là trầu cô Tấm) là một tục lệ truyền thống từ  lâu đời có những chuẩn mực nhất định, từ lá trầu, quả cau cho đến cách bổ, cách têm trầu cũng thật là kì công. Có trầu quế, trầu hồi cũng có trầu cay, trầu hôi; có cau tươi, cau non cũng có cau già, cau khô; cau tiện chũm lòng đào…

Miếng trầu têm cánh phượng thường được dùng để đãi khách quý, được têm bằng những quả cau ngon gọi là cau tiện chũm lòng đào. Cách têm này cũng đòi hỏi phải có nhiều kĩ thuật khéo léo, cộng thêm cả sự tinh tế của người têm.Từ việc chọn lá trầu quế vừa tầm để cắt tỉa cánh phượng, chọn khúc vỏ đỏ dày để cắt trang trí phần đuôi. Thời gian trở lại đây, muốn cho miếng trầu thêm đẹp, người ta thường cài thêm vào cùng miếng vỏ một cánh hoa hồng, tạo thành đuôi phượng, khiến miếng trầu thêm lộng lẫy với sắc màu sặc sỡ, tươi tắn.

Hình ảnh nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng ngồi têm trầu cánh phượng tại Nhà văn hóa Kinh Bắc trong dịp đầu xuân với đôi tay khéo léo, tỉ mỉ trong từng khâu đoạn, từ bổ cau, tạo hình cánh phượng ở lá trầu mới thấy, người Quan họ tinh tế, sâu sắc, gửi gắm tâm tư, tình cảm từ những việc nhỏ nhất trong đời sống hàng ngày. Bà chia sẻ: Việc têm trầu đón khách của người Quan họ luôn được thực hiện hết sức khéo léo, công phu, ẩn chứa cả tấm lòng của gia chủ. Chính vì vậy mà việc chọn lựa cau già hay non nhất thiết phải được xem xét kỹ lưỡng. Với lá trầu cũng vậy, phải là lá bánh tẻ, vì lá già quá khi cuộn gập sẽ dễ gãy, non thì mềm khó têm. Chọn vỏ phải chọn khúc to, mầu cánh sen để có thể phức hợp tạo ra một miếng trầu cánh phượng với sự hài hoà về sắc mầu, tôn lên vẻ đẹp của “Trầu xanh, cau trắng, vỏ hồng”.

Chứng kiến tài khéo léo của nghệ nhân khi têm trầu cánh phượng em Nguyễn Thị Hà – sinh viên chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình về trẩy hội Lim, được hướng dẫn cách têm trầu cánh phượng. Miếng trầu thực hành dù không được đẹp nhưng em rất tâm đắc với sản phẩm của mình tạo ra.

Ngày xuân trên quê hương Quan họ, du khách không chỉ say đắm cùng làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm với áo tứ thân tha thướt dịu dàng mà còn quyến luyến hơn khi được mời miếng trầu têm cánh phượng và chứng kiến liền anh lịch thiệp tình tứ mời Quan họ liền chị xơi trầu bằng những lời giao tiếp vừa tinh tế vừa trân trọng, khiêm nhường: “Nhất niên nhất lệ, năm mới tháng xuân anh em chúng tôi đi hội cầu may, tình cờ lại gặp người đây. Xin mời đương Quan họ xơi khẩu giầu rồi cất lên đôi câu. Trước là để ngày xuân gặp nhiều may mắn, sau là để anh em chúng tôi được học đòi đôi lối, đôi câu đấy ạ…”. Nhìn miếng trầu đỏ thắm, xinh xắn trên tay cảm thấy vô cùng hào hứng. Mong sao cái lộc đầu năm sẽ mang đến nhiều điều may mắn và tốt đẹp./. 

TL