Tối 31/5, tại thành phố Paris (cộng hòa Pháp) đã diễn ra "Đêm Văn hoá Bắc Ninh - Kinh Bắc" đầy màu sắc.
Sự kiện do Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO), UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp tổ chức nhân kỷ niệm 15 năm Dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại (2009 - 2024).
Gần 200 đại biểu đã đến tham dự sự kiện này, trong đó có gần 30 Đại sứ các nước bên cạnh UNESCO từ khắp các châu lục cùng nhiều lãnh đạo cơ quan, tổ chức của Pháp, cơ quan đại diện ngoại giao và tổ chức quốc tế đặt tại Paris, các Hội đoàn người Việt Nam tại Pháp.
Trình diễn Dân ca Quan họ Bắc Ninh tại sự kiện (Ảnh: Đức Thắng)
Phát biểu tại đây, Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO đã đề cao vai trò của di sản văn hoá phi vật thể trong tăng cường sự đa dạng văn hóa, gắn kết cộng đồng, thúc đẩy hòa bình và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc.
Các đại biểu trải nghiệm làm tranh dân gian Đông Hồ (Ảnh: Đức Thắng)
Di sản văn hoá phi vật thể còn là nguồn động lực quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia. Việt Nam tự hào có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, trong đó có Dân ca quan họ Bắc Ninh. Đại sứ bày tỏ mong muốn các nước tiếp tục ủng hộ các hồ sơ đề cử khác của Việt Nam.
“Việt Nam luôn chú trọng công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững đất nước. Với vai trò thành viên Ủy ban liên chính phủ Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể nhiệm kỳ 2022 - 2026 và hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban, Việt Nam đã và sẽ tăng cường hợp tác với các quốc gia thành viên và các bên liên quan khác nhằm thúc đẩy việc thực hiện Công ước”, đại sứ Vân Anh nhấn mạnh.
Về phần mình, ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT và DL Bắc Ninh khẳng định tỉnh đã thực hiện có hiệu quả cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO về bảo tồn và phát triển Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Dân ca quan họ Bắc Ninh, dành nhiều nguồn lực để giới thiệu và quảng bá với bạn bè quốc tế.
Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT và DL Bắc Ninh phát biểu tại chương trình (Ảnh: Đức Thắng)
Hiện nay, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang được các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Đứng trước nguy cơ bị mai một, Chính phủ Việt Nam đã quyết định trình UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách đề cử Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Ông cũng hy vọng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế để năm 2025, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được đưa vào danh sách để UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Tại sự kiện, các khách mời đã rất thích thú và ngưỡng mộ khi chứng kiến nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Oanh, dòng tranh dân gian Đông Hồ trình diễn và hướng dẫn các bước hoàn chỉnh một sản phẩm.
Lời giới thiệu tận tình của nghệ nhân Oanh và sự trải nghiệm trực tiếp đã giúp các khách mời hiểu sâu hơn về vẻ đẹp, phong tục văn hóa truyền thống, cùng những ước mơ, khát vọng, triết lý sống của người Việt Nam qua dòng tranh dân gian độc đáo này.
Bà Aleksandra Popovic, Phó trưởng Phái đoàn Thường trực Serbia bên cạnh UNESCO, một trong số khách mời được trực tiếp trải nghiệm cách làm tranh Đông Hồ, nói: “Tôi đã có cơ hội đến thăm Việt Nam rất lâu trước đây. Tôi đã từng đến Việt Nam một vài lần nhưng chưa bao giờ được trải nghiệm và trực tiếp thưởng thức một thành phẩm tranh Đông Hồ. Quả thực là tôi rất thích.”
Cùng chia sẻ cảm xúc với đồng nghiệp nữ Serbia, ông Kano Takehiro, Trưởng Phái đoàn Thường trực Nhật Bản, bày tỏ: “Đây là một cơ hội đặc biệt để tôi được học và làm thử những điều như thế này, được thấy cách truyền lại kỹ năng qua nhiều thế hệ cũng như được tự mình thử làm một bức tranh. Những kỹ năng được trình chiếu trong video mà chúng ta xem tại đây thực sự rất thú vị và độc đáo. Tôi nghĩ rằng đó là một di sản văn hóa đích thực. Tôi rất vui khi được có mặt tại đây tối nay để chia sẻ khoảnh khắc này cũng với đại sứ, đại diện của Việt Nam và có thêm chút hiểu biết về văn hóa Việt Nam”.
Trong khi đó, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp, đạo diễn, NSƯT Tăng Thanh Sơn cho biết một trong những điểm nhấn của chương trình là tổ chức hoạt động trải nghiệm trên sân khấu cho các đại biểu về nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, trên nền nhạc quan họ. Đây là ý tưởng được ông đưa vào chương trình, qua đó giúp các đại biểu hiểu được tầm quan trọng của việc đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được đưa vào danh sách để UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Dịp này, các đại biểu cũng tham quan triển lãm “Hồ Chí Minh - Khát vọng độc lập dân tộc” đang trưng bày tại Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp, nghe đại diện Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch giới thiệu các bức ảnh tư liệu hết sức quý báu về quá trình bôn ba tìm đường cứu nước của Người.
Năm 1987, UNESCO đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất.
Cuối buổi, các đại biểu cũng được thưởng thức các món ăn truyền thống đặc trưng của nền ẩm thực Việt Nam./.