Ảnh minh họa. Ảnh: baobacninh.com.vn

Với lòng yêu nghề, niềm đam mê và tinh thần trách nhiệm, 65 hội viên Chi hội Sân khấu Bắc Ninh là các tác giả, nghệ sỹ, diễn viên đã không ngừng sáng tạo, bền bỉ nỗ lực, chắt chiu gìn giữ và phát huy nghệ thuật sân khấu của tỉnh. Trong đó, những người tham gia sáng tác kịch bản sân khấu của Bắc Ninh hiện có tác giả Lê Hồng Hạt (Quế Võ), Thượng Luyến (Gia Bình) tuy tuổi cao vẫn tâm huyết, đau đáu suy ngẫm và cho ra đời những tác phẩm quý giá. Một tác giả kịch bản trẻ là Nguyễn Sỹ Sang, vừa xuất hiện đã khẳng định tài năng bằng nhiều kịch bản được các Nhà hát chuyên nghiệp dàn dựng. Trong khi đó, tác giả không chuyên Nguyễn Công Hoan, Lê Minh Xuyến... tích cực viết và dàn dựng những vở kịch ngắn cho các đoàn nghệ thuật, CLB văn hóa văn nghệ địa phương, hoặc những kỳ liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật của các ngành, cơ quan, đơn vị, trường học trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh những kịch bản được sáng tạo độc lập, mang dấu ấn cá nhân, hội viên Chi hội Sân khấu Bắc Ninh còn cùng nhau nghiên cứu, sưu tầm để xuất bản một số tác phẩm giá trị, hội tụ công sức, trí tuệ và niềm đam mê tập thể, tiêu biểu như: Tuyển tập kịch bản sân khấu tiêu biểu giai đoạn 2010-2020; sách “Sân khấu Bắc Ninh cội nguồn và hiện thực” của Nguyễn Đức Tú in chung với nhiều tác giả; sách “Sưu tầm các làn điệu chèo cổ, hát xẩm” của Nguyễn Hữu Luận và Vũ Tự Lẫm...

Là một trong ba hội viên cao tuổi nhất của Chi hội Sân khấu Bắc Ninh hiện nay, tác giả Thượng Luyến vẫn đam mê sáng tác phục vụ sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên. Chiêm nghiệm trong suốt một hành trình dài nặng lòng cùng sân khấu, tác giả Thượng Luyến nhận định: Sân khấu chuyên nghiệp hay sân khấu nghiệp dư khác nhau về tầm cỡ nghệ thuật của tác phẩm, giống nhau về mục đích tư tưởng, góp phần gạn đục khơi trong, xây dựng cuộc sống xã hội phát triển. Trước những khó khăn không nhỏ trong hoạt động sáng tác, chúng tôi đề nghị Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Ninh cần tạo điều kiện thuận lợi cho tác giả sân khấu hoạt động, bằng cách mời các tác giả dự trại sáng tác; có kế hoạch cụ thể cho việc công bố tác phẩm kịch bản sân khấu trên Tạp chí Người Kinh Bắc. Chi hội Sân khấu cần năng động tìm nguồn để tổ chức những trại viết kịch ngắn, ca cảnh, hoạt cảnh Quan họ, chèo... nhằm bồi dưỡng nghiệp vụ và từng bước phát triển tác giả viết kịch bản sân khấu. 

Trong lĩnh vực sân khấu, hoạt động biểu diễn và truyền dạy là mảng chủ đạo đòi hỏi nhiều nỗ lực sáng tạo và đam mê. Theo NSƯT Nguyễn Đức Tú, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu: Hàng năm, hội viên Chi hội Sân khấu Bắc Ninh tham gia biểu diễn khoảng 200 buổi phục vụ nhân dân. Phần lớn hội viên đều là lực lượng nòng cốt của các đơn vị Nhà hát Dân ca Quan họ, Trung tâm Văn hóa tỉnh, các đoàn nghệ thuật, CLB văn nghệ quần chúng... Một số hội viên tham gia thành viên Hội đồng cấp tỉnh trong các đợt xét đề nghị phong tặng danh hiệu cao quý của tỉnh và nhà nước đối với nghệ sĩ, nghệ nhân. Tiêu biểu có những hội viên đảm giữ vai trò tổng đạo diễn một số chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh...

Bằng niềm đam mê, tinh thần kiên trì vượt khó cùng sự thôi thúc từ trái tim người nghệ sĩ, một số hội viên tiêu biểu của Chi hội Sân khấu Bắc Ninh như: NSND Thúy Cải, NSƯT Quý Tráng, NSƯT Khánh Hạ, NSƯT Lệ Ngải... luôn tâm huyết, tận tình truyền dạy di sản dân ca Quan họ cho thế hệ trẻ, khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân niềm yêu mến, sự quý trọng nghệ thuật truyền thống và di sản văn hóa của cha ông.  

Giai đoạn vừa qua, tài năng cùng quá trình lao động nghệ thuật đam mê miệt mài của hội viên sân khấu được thể hiện qua nhiều hội thi, hội diễn nghệ thuật toàn quốc và các cấp, ngành tổ chức với hàng chục Huy chương Vàng, Bạc được trao cho các tập thể, cá nhân. Đáng chú ý, có 32 lượt hội viên của Chi hội Sân khấu có tác phẩm tham gia Xét tặng Giải thưởng VHNT tỉnh Bắc Ninh lần thứ Nhất, giai đoạn 2012-2017 và lần thứ Hai, giai đoạn 2017-2022. Kết quả, lần thứ Nhất có 10 giải thưởng (1 giải A, 2 giải B, 2 giải C và 5 giải Khuyến khích), lần thứ 2, Hội đồng Chung khảo cũng công bố 11 giải thưởng (1 giải A, 2 giải B, 4 giải C và 4 giải Khuyến Khích).

Cùng với động viên, khuyến khích hội viên tích cực hoạt động chuyên môn, Chi hội Sân khấu còn phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan báo chí giới thiệu tác giả, tác phẩm; tổ chức phong phú hoạt động giao lưu, chuyến đi thực tế nhằm tăng tình đoàn kết gắn bó giữa các hội viên, mở rộng trao đổi, học tập trong quá trình sáng tạo và hoạt động nghệ thuật. Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Luận chia sẻ: Không như diễn viên đơn ca, họ có thể hoạt động một mình đến lúc nào không thể diễn được mới nghỉ, các diễn viên sân khấu thì khác, trong một vở diễn, mỗi nhân vật một vị trí nhưng đều có quan hệ mật thiết với nhau như răng với môi. Bởi vậy, việc gắn kết hội viên trong quá trình làm nghề và cả lúc hưu trí có ý nghĩa quan trọng đối với việc gìn giữ và phát triển vốn văn hóa nghệ thuật truyền thống của quê hương, dân tộc./.  

Theo Báo Bắc Ninh