Màn hợp diễn “Gửi về Quan họ” do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Nhà hát Cao Văn Lầu thể hiện.
Diễn ra tại Nhà hát Cao Văn Lầu (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), chương trình nghệ thuật “Về hai miền di sản” do hai tỉnh Bắc Ninh và Bạc Liêu phối hợp tổ chức là hoạt động thể hiện sự trân quý những tinh hoa văn hóa của dân tộc, tăng cường tình đoàn kết, mở rộng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, góp phần phát huy giá trị các di sản.
Thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, chương trình lần lượt dẫn dắt khán giả đến vùng đất ân tình phương Nam. Trong quá trình khai khẩn vùng đất mới, đối mặt với nhiều khó khăn, thiên tai, thì đời sống tinh thần với tiếng đờn, lời ca cũng từ đó được len lỏi, đặc biệt hơn cả là đờn ca tài tử. Như hạt mầm được bén rễ trên đất tốt, loại hình nghệ thuật này phát triển mạnh vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nơi đây còn khai sinh bài vọng cổ nhịp 2 “Dạ cổ Hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu mà sau này lần lượt được phát triển thành nhịp 4, 8, 16, 32 và trở thành bài ca “vua” của cải lương.
Đêm dần buông, tất cả ánh nhìn tập trung về sân khấu nghe điệu hoài lang để cùng lắng lòng với nhạc sĩ họ Cao thuở nọ: “Từ là từ phu tướng/ Bảo kiếm sắc phong lên đàng/Vào ra luống trông tin chàng/Năm canh mơ màng...”.
Tiếng đờn vừa dứt, một vùng trời Kinh Bắc mở ra, cái thâm nghiêm, cổ kính, ngàn năm văn hiến được những liền anh áo the, khăn đóng, liền chị duyên dáng với nón quai thao, dải yếm lụa đào, nụ cười tươi như lời chào ấm lòng đất bạn. Rồi những giọng ca vang, rền, nền, nảy cất lên với “Ba quan mời trầu”, “Nguyệt gác mái đình”, “Về Thiên Thai”, “Đào nguyên”, “Yêu một Bắc Ninh”: “Nguyệt rằng là tình rằng nguyệt các í ơ ơ ơ...”; “Một Bắc Ninh, có tự bao giờ. Mà người và đất hóa nên thơ…”.
Hiếm khi dân ca Quan họ Bắc Ninh có dịp cất lên nơi miền đất cuối trời Nam, nhưng không vì thế mà nó trở nên xa lạ khó gần, ngược lại khúc tự tình “Người ở đừng về” lại chợt thân quen, gần gũi và nhận được nhiều tràng vỗ tay của khán giả. Cũng như đờn ca tài tử, Quan họ tuy là nghệ thuật dân gian, bình dân nhưng cũng mang đậm tính bác học, lắm công phu, đòi hỏi người thể hiện phải đạt trình độ cao về nghệ thuật, âm nhạc lẫn phong thái thể hiện.
Hai vùng miền với những đặc trưng văn hoá riêng biệt. Một bên là cái tình tự, nhặt khoan của ngũ cung với tranh, kìm, cò, sến... nơi Nam Bộ; một bên lại ngọt ngào, sâu lắng với những làn điệu dân ca Quan họ cùng cách trình diễn khéo léo, ý nhị của những liền anh, liền chị Bắc Ninh - Kinh Bắc. Những tiết mục được sắp xếp đan xen nhau, hết Quan họ rồi Đờn ca tài tử nối liền dòng cảm xúc. Đó không phải là chương trình nghệ thuật đơn thuần mà là buổi tao ngộ của hai người bạn đến từ hai vùng đất thuộc hai miền của đất Việt với ngữ điệu, giọng nói khác nhau đang trình diễn những tinh hoa, bản sắc văn hoá quê hương mình.
“Gửi về Quan họ” là tiết mục tân cổ giao duyên được kết hợp đặc biệt bởi chàng kép cải lương Anh Chàng và liền chị Thanh Quý trở thành một điểm nhấn của chương trình. Ở đó hai miền thực sự hoà quyện, chàng kép cải lương lại hát Quan họ và liền chị lại tự tin khoe giọng “hò, xự xang xê cống”. Khi liền chị Thanh Quý vào câu vọng cổ, tiếng vỗ tay rộn rã cất lên. Khán giả trầm trồ thán phục bởi từng cách phát âm, ngắt nhịp không khác chi một cô đào chuyên nghiệp của cải lương: “... Mời nhau miếng trầu thay lời cảm tạ, nghe ai ca người ơi người ở đừng về/Đất vàng soi ánh trăng thanh/Xin người ăn miếng trầu xanh ấm nồng/Trầu xanh cau thắm vôi hồng/Đẹp duyên phải phận tơ hồng gửi trao”.
Nghệ sĩ Kiều Nghi đến từ Nhà hát Cao Văn Lầu chia sẻ: “Tôi rất vinh dự khi được tham dự chương trình và ấn tượng với chất liệu âm nhạc của quê hương Kinh Bắc. Được biểu diễn cùng các liền anh, liền chị giúp tôi hiểu biết thêm về dân ca Quan họ Bắc Ninh cũng như học hỏi được nhiều điều bổ ích. Hi vọng trong thời gian tới, hai tỉnh tiếp tục tổ chức những chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật, tăng cường tình đoàn kết”.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Những hình ảnh đặc thù của mỗi vùng đất được chuyển tải sống động qua lời ca, điệu múa đã giúp khán giả phần nào hình dung được lợi thế và sự hấp dẫn riêng của mỗi địa phương. Chương trình thành công tốt đẹp, khẳng định sự giao hòa và lan tỏa của Dân ca Quan họ Bắc Ninh, tạo đà thuận lợi cho những sự kiện tôn vinh, quảng bá những giá trị tinh hoa của di sản trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay.