Ghi nhận từ đầu tháng Giêng đến nay, tại nhiều di tích trọng điểm trong tỉnh có rất nhiều du khách đến chiêm bái và tham quan vãn cảnh. Báo cáo của ngành Du lịch, 3 tháng đầu năm 2019 là thời gian cao điểm du khách đến Bắc Ninh tham gia các hoạt động tâm linh lễ Phật và trảy hội. Tổng lượng khách ước đạt 590.000 lượt, tăng 18% so với cùng kỳ, đạt 38 % kế hoạch năm. Tổng doanh thu du lịch quý I năm 2019 ước đạt 470 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ, đạt 44% kế hoạch năm.
Chùa Hồng Ân (Tiên Du) thu hút hàng nghìn lượt du khách đến chiêm bái lễ Phật trong dịp lễ hội đầu xuân Kỷ Hợi 2019.
Trong quan niệm của người Việt, khởi hành đi lễ đầu năm là cơ hội để bản thân mỗi người tìm kiếm sự tịnh tâm, thanh thản và cầu nguyện một năm gia đạo bình yên, công danh, sự nghiệp, con cái gặp nhiều may mắn. Một trong những “báu vật tâm linh” của tỉnh là di tích Quốc gia đặc biệt chùa Dâu-ngôi chùa có lịch sử 2000 năm là nơi đầu tiên các tu sĩ Ấn Độ đặt chân đến để truyền bá đạo Phật tại Việt Nam. Cách chùa Dâu không xa là chùa Bút Tháp, ngôi cổ tự nằm bên bờ sông Đuống hiền hòa, một kiệt tác nghệ thuật kiến trúc khá nguyên vẹn, chứa đựng nhiều di vật điêu khắc độc đáo, hiếm có như Bảo vật Quốc gia-Tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay. Về với cửa Phật nơi này, du khách được hòa mình vào thiên nhiên, tĩnh tại và thanh thản hơn khi tạm rời xa những ồn ào, hối hả của cuộc sống thường nhật…
Qua sông Đuống sang đất Tiên Du có chùa Phật Tích nổi tiếng xứ Kinh Bắc, từng là nơi dừng chân của biết bao tao nhân mặc khách thời phong kiến với ăm ắp dấu tích lịch sử, huyền thoại. Điểm độc đáo nổi bật của chùa Phật Tích không chỉ bởi những công trình kiến trúc mỹ miều, phong cảnh thần tiên kỳ vĩ mà còn nhiều tác phẩm điêu khắc đá cổ kính, tiêu biểu như pho tượng đá A Di Đà được khắc từ thời Lý hay tượng mình người đầu chim, hàng linh thú đá... Đứng trên núi chiêm ngưỡng pho tượng A di đà lớn nhất Đông Nam Á sau khi vãn cảnh chùa theo trục tâm linh xuyên suốt từ cõi người-cõi tiên-cõi Phật, anh Hoàng Hùng Hà, một du khách đến từ tỉnh Thái Nguyên thốt lên: “Đẹp quá, chẳng khác gì chốn thiên bồng lạc cảnh, như trong phim ấy. Tôi sẽ chụp thật nhiều ảnh và chia sẻ trên mạng để giới thiệu với mọi người”.
Cùng với các ngôi chùa thâm nghiêm cổ kính, quê hương Bắc Ninh còn có một “ngân hàng” mang tên Bà Chúa Kho, di tích cổ kính gắn liền với hàng ngàn năm lịch sử, trải qua năm tháng trở thành điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng linh thiêng của nhân dân cả nước với quan niệm “sở cầu đắc cầu, sở nguyện đắc nguyện”…
Những di tích tâm linh thu hút đông đảo du khách đến tham quan, hành hương trong những ngày đầu năm mới, tiêu biểu như chùa Dâu, chùa Bút Tháp, lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương, chùa Phật Tích, đền thờ Lê Văn Thịnh, đền Tam Phủ, đền Bà Chúa Kho… Thống kê sơ bộ của Ban Quản lý di tích tỉnh tại một số điểm di tích qua 2 tháng đầu xuân: Chùa Dâu đón khoảng 6 nghìn lượt khách, chùa Bút Tháp đón hơn 5 nghìn lượt, chùa Phật Tích đón gần 10 nghìn lượt… Theo đánh giá của các đơn vị hoạt động du lịch, Bắc Ninh có tiềm năng du lịch tâm linh rất lớn, lượng khách ổn định, tập trung chủ yếu vào mùa xuân nhưng chưa được quan tâm khai thác đúng mức. Nhìn chung, phần lớn các đoàn khách đến Bắc Ninh thường chỉ đi trong ngày, khó giữ chân khách lưu lại qua đêm nên cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển các loại hình dịch vụ phụ trợ nhằm phục vụ du khách ăn, nghỉ.
Bà Đỗ Thị Dung đến từ huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên chia sẻ: Khoảng 10 năm nay, mỗi dịp năm mới, tôi đều sang Bắc Ninh hành lễ, vãn cảnh chùa. Vốn yêu lịch sử dân tộc nên ngoài cầu bình an, tôi còn muốn tìm hiểu những nét đẹp, chiều sâu văn hóa lịch sử ở vùng đất cổ này. So với những năm trước, tôi thấy không gian cảnh quan các di tích được quan tâm mở rộng thoáng đẹp hơn rất nhiều, nhất là khu lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương. Tuy nhiên, các loại hình kinh doanh dịch vụ, vui chơi giải trí, nhất là hoạt động phục vụ du lịch tại các điểm di tích tín ngưỡng tâm linh hầu như không chuyển biến về số lượng, chất lượng, vẫn khá đơn điệu nên sản phẩm dịch vụ kém phong phú, chưa hấp dẫn đối với du khách. Người dân địa phương tuy nhiệt tình, thân thiện nhưng vẫn thiếu kỹ năng làm du lịch, chưa có chương trình bài bản giới thiệu cho du khách về lịch sử, đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng của vùng.
Còn theo chị Cao Thị Quyên bán hàng nước gần chùa Dâu (Thuận Thành) cho biết: “Từ Tết đến nay, ngày nào cũng tấp nập các đoàn khách thập phương về dâng hương, lễ Phật, đông nhất là tháng Giêng. Song tiếc là không gian chùa chật hẹp nên các đoàn chỉ về hành lễ rồi lại đi ngay, thỉnh thoảng có một vài người ngồi uống chén nước chờ theo đoàn, họa lắm mới có đoàn dừng lại ăn trưa ở đây. Khách tuy đông nhưng các dịch vụ buôn bán cũng chỉ mức độ thôi…”.
Tỉnh Bắc Ninh hiện đang đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, thông tin, dịch vụ du lịch, gắn kết xây dựng các cảng, bến tàu du lịch và kết cấu hạ tầng, cảnh quan di tích dọc theo tuyến đê sông Đuống, sông Cầu để nối các điểm du lịch tâm linh. Thời gian tới, để khai thác tốt thế mạnh du lịch tâm linh, tỉnh cần tiếp tục tăng cường truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch; tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư địa phương; nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên và những người tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cần tích cực tham mưu đề xuất nhằm thu hút đầu tư mở rộng hoạt động phụ trợ trên cơ sở gắn kết sự phát triển du lịch với lợi ích cộng đồng để tăng tính hấp dẫn tại các điểm du lịch, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch văn hóa tâm linh một cách bền vững.