Nghệ nhân Nguyễn Hữu Thoa (bên trái) trong buổi sinh hoạt của CLB.
Về thôn Lũng Giang hỏi ông Nguyễn Hữu Thoa, mọi người đều gọi là anh Cả Quan họ, bởi những đóng góp của ông trong bảo tồn di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Yêu Quan họ từ ngày còn bé, năm 16 tuổi ông được theo những thế hệ đi trước trong làng để chơi Quan họ “ca cho tàn canh, mãn võ, cho tàn đêm, rạng ngày”. Những vốn liếng Quan họ ông, cha truyền lại được ông gìn giữ, phát huy đến ngày nay. Ông chia sẻ: “Tôi đã được các cụ truyền dạy nhiều câu Quan họ cổ mà không hết lòng trao truyền cho thế hệ sau thì thấy mình học cũng vô ích và còn có lỗi với tiên tổ”.
Nhận thức được tầm quan trọng, giá trị văn hóa của làn điệu Quan họ cổ, hơn 40 năm qua, ông Nguyễn Hữu Thoa luôn cần mẫn truyền dạy, trao gửi tình yêu Quan họ cổ đến những thế hệ sau. Ông dành thời gian 10 năm liền dạy hát Quan họ cho các lớp do Trung tâm Văn hóa, thể thao huyện tổ chức; dạy Quan họ cho các làng kế cận như Duệ Đông, Lộ Bao... Ngoài thời gian truyền dạy Quan họ cổ cho các lớp học hát Quan họ, ông góp công rất lớn trong việc thành lập CLB Quan họ làng Lũng Giang để Quan họ được khôi phục như ngày nay. Với uy tín và tinh thần trách nhiệm, ông được bầu làm Chủ nhiệm CLB. Từ khi thành lập đến nay đã vài chục năm nhưng CLB luôn có sự đoàn kết, thống nhất trong mọi hoạt động, số thành viên ngày càng tăng với 62 người ở đủ các lứa tuổi. Trong cuộc sống hiện đại có nhiều hình thức giải trí khác nhau nên lứa tuổi thanh, thiếu niên trong làng tham gia chưa được nhiều, ông dành thời gian đi chia sẻ, vận động các em nhỏ cố gắng tập luyện. Bí quyết của ông là dạy thế hệ trẻ các bài Quan họ lời mới trước sau đó mới dạy đến Quan họ cổ. Vào mỗi dịp hè, ông cần mẫn soạn giáo án, nghiên cứu, truyền dạy khuyến khích các em kiên trì tập luyện, từ cách lấy hơi, nhả chữ, cách luyến láy câu từ, sử dụng âm điệu chuẩn mực đến hát đúng giọng… Được sinh ra và lớn lên trong cái nôi của làng Quan họ gốc nên ông Thoa thuần thục tất cả những kỹ năng hát Quan họ cổ. Vì thế, các buổi sinh hoạt của CLB Quan họ làng Lũng Giang đều tổ chức hát đối đáp. Tại đây, ông dành nhiều thời gian uốn nắn, chỉnh sửa cho các thành viên để những câu hát nhấn nhá, buông câu, nhả chữ sao cho câu Quan họ được “vang, rền, nền, nảy”. Ông chia sẻ thêm: Trong Quan họ 1 bài hát có nhiều trổ nhưng dạy trổ đầu phải kĩ nhất thì đến các trổ sau mới dễ thuộc. Điều lưu ý khi học hát Quan họ là có nhiều làn điệu tương tự khá giống nhau mà bài nào cũng có 1 câu ra với 1 câu đối hoặc nhiều câu đối nên khi dạy người học phải thuộc nằm lòng một bài sau mới học đến bài mới. Nhờ sự chỉ bảo tận tình của ông nên các cặp đôi trong CLB đi thi hát Quan họ đối đáp đầu xuân đều đạt giải”.
Với vốn liếng hơn 300 bài hát Quan họ cổ, ông đã truyền dạy cho nhiều thành viên trong CLB thuộc 50 đến hơn một trăm bài. Vì thế, CLB luôn tự tin đi giao lưu, kết bạn với nhiều CLB Quan họ và làng Quan họ cổ như: Châm Khê, Bồ Sơn, Đào Xá, Thị Chung… Hàng năm, CLB là nòng cốt chủ yếu trong các chương trình văn hóa, văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, ngày lễ kỷ niệm. Đặc biệt, vào dịp Hội Lim CLB hát Quan họ phục vụ nhân dân tại khu vực đình làng từ ngày 11 đến hết ngày 13 tháng Giêng, từ tổ chức hát canh đối đáp đến hát Quan họ trên thuyền. Nhờ vậy, nhiều du khách nghe Quan họ đã xin kết nạp vào CLB để được truyền dạy, tiêu biểu có liền anh Phạm Văn Mạnh, sinh sống tại Hà Nội nhưng một tháng 3 lần về sinh hoạt cùng CLB. Anh cho biết: “Tôi yêu Quan họ đã hơn 10 năm nhưng do công việc bận rộn đến nay tôi mới có thời gian thu xếp để sinh hoạt cùng CLB được gần 8 tháng. Trong các buổi sinh hoạt, tôi được nghệ nhân Nguyễn Hữu Thoa, tận tình truyền dạy nên cũng thuộc được hơn 50 bài Quan họ cổ”.
Trong suốt nghề chơi Quan họ, ông Nguyễn Hữu Thoa luôn đau đáu một điều làm sao để nhiều người biết hát và chơi Quan họ cổ. Chúc ông luôn có sức khỏe dồi dào, tiếp tục đem trí tuệ, tâm huyết của mình trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh./.