Về làng Tiêu Sơn, xã Tương Giang (thị xã Từ Sơn) ngày hội 3-3 (âm lịch) hàng năm, du khách thập phương không chỉ chứng kiến các keo vật dân tộc hấp dẫn, kịch tính, sôi động, điều đặc biệt hơn khiến du khách bất ngờ đó là sau khi kết thúc trận đấu, các đô vật sẽ được thưởng chiếc bánh dày có kích cỡ khác nhau tùy vào kết quả bên thắng cuộc. Nét văn hóa độc đáo riêng có này vẫn được nhân dân Tiêu Sơn gìn giữ.

 

Được Trưởng thôn Tiêu Sơn Nguyễn Phú Xuân giới thiệu chúng tôi đến gặp cụ Ba Tạo, 87 tuổi để tìm hiểu về sự tích thưởng bánh dày cho các đô vật khi thắng cuộc. Cụ kể: “Ngày xưa làng tôi có truyền thống làm bánh dày, đây được coi là đặc sản của quê hương và xuất phát khi nào cũng không rõ vì từ nhỏ tôi đã được xem ông, bà, bố mẹ làm bánh dày. Lớn lên tôi kế tục làm đặc sản này và mang đi bán các nơi. Bánh dày làng tôi nức tiếng gần xa, bởi vị ngon của nó đem đến cho người thưởng thức. Hàng năm, lễ hội làng Tiêu Sơn đều tổ chức đấu vật, bởi xa xưa nơi đây có lò vật và bánh dày được coi là phần thưởng quý cho các đô vật khi chiến thắng”.


Chùa Tiêu - một trong những di tích nổi tiếng của thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh). Ảnh: Báo Bắc Ninh

Không biết nghề truyền thống làm bánh dày của nhân dân làng Tiêu Sơn có từ khi nào, chỉ biết rằng cứ đến ngày 3-3(âm lịch) lễ hội được mở ra thì người làng lại tưng bừng, rộn rã trong việc giã xôi, nặn bánh dày. Những thanh niên trai tráng khỏe mạnh được chọn để giã bánh dày dâng cúng tướng quân Lý Súy vị danh tướng có tài thao lược, tinh thông võ nghệ, giúp vua Trần Thái Tông (tức Trần Cảnh) chống giặc Nguyên Mông lần thứ nhất (1258), thắng trận và lập nhiều chiến công, được vua phong tước “Quân Trung Tả Đạo”,  “Trung Quân Đô Úy”. Khi ngài mất còn được vua Trần sắc phong “Nguyên Súy Trung quân đại thần”, tặng 4 chữ vàng “Hộ Quốc Thần Vương”, nhân dân Tiêu Sơn tôn thờ làm Thành hoàng làng.

Theo ông Nguyễn Khắc Thế, người dân trong làng thì phong tục thưởng bánh dày cho các đô vật xuất phát từ thần tích thờ tướng quân Lý Súy. Nơi đây vào thế kỷ XIII ở làng Nghiêm Xá (nay là thôn Tiêu Sơn) xuất hiện ngài Lý Súy. Với tài võ nghệ của mình, Lý Súy đã tập hợp binh sĩ luyện võ, mở lò luyện đấu vật rèn sức khỏe trai tráng đánh thắng quân giặc. Lý Súy mất ngày 3-3, hàng năm dân làng mở hội tưởng nhớ công lao của tướng quân Lý Súy không thể thiếu món bánh dày do chính trai tráng trong làng giã bánh. Phần hội có đấu vật là nội dung tiêu biểu đặc sắc được bà con mong đợi. Bánh dày sau khi dâng lễ tướng quân Lý Súy sẽ được tán lộc và thưởng cho các đô vật. Chiếc bánh to khoảng 3kg thưởng cho đô vật giải nhất và nhỏ dần theo từng giải. Trên bánh dày có dán chữ thọ, dưới lót lá chuối hoặc lá mít. Ngày nay khi điều kiện kinh tế phát triển, các đô vật được nhận nhiều phần thưởng khác nhau nhưng bánh dày vẫn là phần thưởng cao quý nhất.

Từng là đô vật nổi tiếng ở làng Tiêu Sơn, ông Trần Văn Khải, 72 tuổi bộc bạch: “Tôi mê đấu vật từ thời thiếu niên, bởi vào ngày hội làng đấu vật là nội dung đặc sắc nhất. Mỗi trận đấu đều thu hút được nhân dân và du khách thập phương vây quanh đấu trường xem các đô vật thể hiện những miếng vật kỹ thuật, bất ngờ, gay cấn. Hàng năm những đô vật trong làng tôi háo hức chờ đến ngày hội để được lên đấu trường tranh giải và phần thưởng được chiếc bánh dày thừa lộc tướng quân Lý Súy là một vinh dự lớn lao”.

Nguyên liệu chính của bánh dày làng Tiêu Sơn là gạo nếp cái hoa vàng. Một năm hai vụ, thóc lúa bội thu năm đó làng làm được nhiều bánh dày. Người làng Tiêu Sơn kĩ lưỡng tỉ mẩn trong việc chọn gạo làm bánh. Gạo hạt phải mẩy, chắc. Những hạt sâu lép được loại bỏ khi đó thành phẩm bánh mới đạt độ trắng trong. Gạo được ngâm với nước sạch qua đêm sau đó đem nấu xôi chín kỹ đổ ra “chiếu buồm” giã đều tay. Lực giã phải vừa, không được quá mạnh, quá yếu mềm. Bánh giã phải đúng số nhịp số chày buông xuống. Vì thế việc giã bánh cần chọn trai tráng khỏe mạnh, sức dai, bền. Mỗi mẻ bánh dày 4 kg gạo nếp nấu thành xôi chín đem giã trong khoảng 1 giờ.

Để bánh dày không bị dính, làng Tiêu Sơn nghĩ ra bí quyết lấy tủy lợn hấp chín rồi xoa đều vào “chiếu buồm”, chày giã và tay người bắt bánh. Khi giã bánh đủ độ sẽ được phụ nữ khéo tay trong làng nặn thành những chiếc bánh dày trắng tinh, tròn trịa… Bánh dày ăn phải đạt độ dẻo, dai, có độ giòn, thơm của gạo nếp, ngậy của vị gạo và tủy lợn. Làng Tiêu Sơn làm 3 loại bánh dày, trong đó bánh dày chay dâng lễ tướng quân Lý Súy. Bánh dày có nhân làm từ đỗ xanh có 2 vị mặn và ngọt. Công đoạn làm nhân bánh khá cầu kỳ, cần sự khéo léo của người làm, nhân bánh làm từ đỗ xanh mẩy hạt, xanh đều. Sau khi “tuyển chọn” kĩ càng, đỗ được ngâm nước ấm khoảng bốn mươi độ qua đêm. Đỗ xanh ngâm mềm, đãi sạch vỏ, hấp chín nhừ tơi, giã đỗ bắt buộc phải nhuyễn sánh, không được lợn cợn hạt đỗ. Mỗi một mẻ xôi, mẻ đỗ đưa ra bốc bừng hơi nóng.

Ngày nay khi điều kiện kinh tế phát triển, nghề làm bánh dày của Tiêu Sơn không còn nhưng đến lễ hội, dân làng lại tổ chức giã bánh dày để làm sản vật dâng lễ tướng quân Lý Súy. Các đô vật cũng háo hức chờ mong ngày hội để được thưởng bánh dày. Trên mâm cỗ của các gia đình ngày lễ, hội thường không thể thiếu món bánh dày như một minh chứng cho truyền thống quê hương đến nay vẫn được gìn giữ./.

Theo Báo Bắc Ninh