Đậu phụ làm từ nguyên liệu chính là đỗ tương, có thể chế biến thành nhiều món ngon (Ảnh: Hoàng Lan)

Theo truyền miệng, tổ nghề đậu của làng là Bà Mây - Bà Mái. Giai đoạn đầu, bà con tranh thủ thời vụ nông nhàn làm đậu cho người dân quanh vùng nhằm kiếm thêm thu nhập. Đời này qua đời khác, bao thế hệ người dân Nghi Khúc vẫn miệt mài sớm khuya với nghề.

Với nguyên liệu chính là hạt đỗ tương, theo những người làm đậu ở Nghi Khúc, muốn đậu phụ ngon phải chọn những hạt đỗ tương đều nhau, không sâu, mọt, vỏ hạt nguyên vẹn, nhẵn bóng, có màu vàng sẫm. Hạt đỗ tương ngâm từ 8 - 10 tiếng sau đó mang đãi sạch vỏ để loại bỏ tạp chất rồi xay. Khi xay, phải chú ý điều chỉnh lượng nước theo tỷ lệ 1 đậu/6 nước và phải cho nước chảy vào liên tục.

Khi đã có sữa đậu, đem bỏ vào nồi để nấu. Để đậu phụ mềm, mịn, ngon thì phải điều chỉnh lượng nhiệt vừa phải để sữa chín từ từ và không sôi bùng lên. Để sữa đậu sôi liu riu từ 3 - 4 phút để đảm bảo chín và mịn.

Đình Phú Lộc được khởi dựng từ thời Lê và đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa (di tích cấp tỉnh theo Quyết định 61/QĐ-UBND ngày 15/11/2009 của UBND tỉnh Bắc Ninh) -  nơi đặt ban thờ 02 bà tổ nghề đậu của làng Nghi Khúc (Ảnh: Hữu Thắng)

Sau khi sữa đậu chín, dùng thêm nước chua để làm đông óc đậu. Nước chua nên cho từ từ, ít một và nên đảo thật nhẹ để tản đều nước chua; không được đảo quá nhiều, dễ gây nát óc đậu đã kết trước đó. Khi nồi sữa đậu không còn màu trắng đục mà chỉ còn lại những mảng đậu trắng, nước trong hơi ngả màu vàng là đậu đã kết hết. Lúc này, lấy một chiếc rổ lớn, sạch sẽ, nhẹ nhàng cho vào nồi để tách phần đậu xuống dưới và nước lên trên. Phải thật nhẹ nhàng để không làm nát những khối đậu đã kết. Tiếp đó, múc óc đậu đổ vào khuôn đã cho sẵn vải màn và ép đậu. Ép từ từ và chặt để đậu đóng bánh mịn đều. Đậu ép khuôn xong ngâm vào nước lạnh.

Với một số lợi ích như ngăn ngừa một số bệnh ung thư; giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành; ngăn ngừa loãng xương, và giúp đẹp da hơn, đậu phụ là một món ăn truyền thống trong nền văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Theo một nghiên cứu, thành phần dinh dưỡng trong 100g đậu phụ gồm 8g protein; 2g carbohydrate; 4g chất béo; 1g chất xơ; canxi (20% RDI); photpho (12% RDI); đồng (11% RDI); selen (14% RDI); sắt (9% RDI); maggie (9% RDI) và kẽm (6% RDI)…

Đậu phụ có hàm lượng carb thấp, không chứa bơ sữa động vật, gluten hay cholesterol. Đây là món thuần chay rất phổ biến đối với những người có chế độ ăn chuyên biệt. Đậu cung cấp nguồn protein tuyệt vời, chứa 9 axit amin thiết yếu có thể thay thế thịt, đồng thời là một nguồn canxi và sắt tốt, đáp ứng 5% nhu cầu kali hàng ngày.

Làm đậu phụ từ lâu đã trở thành nghề truyền thống của làng, mang lại thu nhập kinh tế đáng kể cho bà con. Ngày nay, nghề không còn bó hẹp ở địa phương mà đã được phát triển trên cả nước, thậm chí lan tỏa sang tận các nước như Lào, Hàn quốc, Đức, Cộng hòa Séc... /.

PV