Các đại biểu chủ trì Hội thảo (Ảnh: bacninh.gov.vn)

 

Ngày 19/9, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Trung tâm bảo tồn di tích và xúc tiến du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức Hội thảo khoa học  “Truyền thống khoa bảng dòng họ Trần Danh và danh nhân Trần Danh Án”.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Tiến Nhường, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh; lãnh đạo một số Sở, ngành; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Trung ương và địa phương; đại diện dòng họ Trần Danh.

Quê hương Bắc Ninh có bề dày lịch sử, truyền thống văn hiến và cách mạng. Trong suốt tiến trình lịch sử, thời nào Bắc Ninh cũng xuất hiện những người tài, đức góp phần công sức, trí tuệ cho tiến trình bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước. Bắc Ninh cũng là địa phương có truyền thống khoa bảng hàng đầu cả nước. Trong lịch sử, nơi đây xuất hiện những làng khoa bảng như: Làng Kim Đôi, phường Kim Chân có 25 vị Tiến sĩ; làng Tam Sơn, phường Tam Sơn là làng duy nhất cả nước có người đỗ đủ Tam Khôi (Trạng Nguyên, bảng nhãn, thám hoa); nhiều dòng họ tiêu biểu như: họ Nguyễn Kim Đôi với 18 vị Tiến sĩ, họ Phạm Kim Đôi có 7 vị đỗ Tiến sĩ, họ Nguyễn Vinh Kiều có 10 người đỗ Tiến sĩ…

Tại huyện Gia Bình, truyền thống khoa bảng thể hiện ở thôn Bảo Triện xưa, nay là làng Phương Triện, xã Đại Lai. Sách Bắc Ninh tỉnh ghi chép “Tựu trung văn học hiển đạt chỉ có Bảo Triện của tổng Đại Lai là hơn cả”. Truyền thống khoa bảng ấy được thể hiện rực rỡ qua truyền thống dòng họ Trần Danh với 4 người đỗ đại khoa, hơn 60 người đỗ tú tài cử nhân. Những người con dòng họ Trần Danh đã đem hết trí tuệ, sức lực của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Quốc gia, dân tộc.

Danh nhân Trần Danh Án, hiệu là Liễu Am, sinh năm Giáp Tuất (1754), đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương. Năm 34 tuổi, đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tên đứng thứ 3) khoa Đinh Mùi niên hiệu Chiêu Thống nguyên niên (1787). Sinh thời, cụ Trần Danh Án trước tác nhiều và là người đầu tiên ở nước ta sưu tầm, dịch ca dao, đó là tác phẩm “Nam phong giải trào”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo (Ảnh: bacninh.gov.vn)

 

Các tham luận tại Hội thảo tập trung lý giải, chứng minh, làm rõ các nội dung về truyền thống quê hương và tình hình chính trị xã hội thời Lê Trung hưng, đặc biệt từ những năm cuối thế kỷ XVII đến những năm cuối thế kỷ XVI đã tác động thế nào đến ý chí, tư tưởng và hành trạng của các vị trí thức Hán học họ Trần Danh làng Phương Triện. Tư tưởng chủ đạo của Trần Danh Án trong ý định khôi phục nhà Lê vào nửa cuối thế kỷ XVIII. Những đóng góp cụ thể của các vị trí thức Hán học dòng họ Trần Danh làng Phương Triện đối quê hương, đất nước. Quan điểm của các nhà khoa bảng họ Trần Danh đối với sự nghiệp giáo dục, đối với việc khuyến học và tư tưởng xuyên suốt trong các trước tác của các nhà trí thức Hán học họ Trần Danh.

Bên cạnh đó, một số bài tham luận cũng đề xuất những giải pháp nhằm bảo tồn và phát duy các giá trị, ý nghĩa di sản lịch sử văn hoá của dòng họ Trần Danh nói riêng, góp phần xây dựng gia đình, dòng họ và quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh.

Hội thảo góp phần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững; tập trung nghiên cứu, xác định triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới./.

KL