Vào dịp đầu xuân, các địa phương ở Bắc Ninh đều tổ chức mừng thọ cho các cụ cao tuổi theo nếp sống văn minh (Ảnh: NQ)
Những năm qua, phong trào “Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa” tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp triển khai thực hiện giữa các ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Việc xây dựng nếp sống văn minh đã dần đi vào đời sống xã hội, trở thành một phong trào rộng lớn của quần chúng, phong trào ngày càng phát triển sâu rộng, đạt được những kết quả nhất định góp phần không nhỏ trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo đó, công tác tuyên truyền, vận động được chú trọng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; các hoạt động tuyên truyền,vận động được triển khai đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thôn, bản, cụm dân cư và từng gia đình trên địa bàn toàn tỉnh nhằm làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ mục đích ý nghĩa của phong trào, từ đó tự giác tham gia thực hiện phong trào. Đến nay, đại bộ phận nhân dân đã tự giác thực hiện tiết kiệm trong việc cưới, tang, lễ hội, tân gia, mừng thọ và đón nhận các danh hiệu thi đua, tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống, tạo sự chuyển biến tích cực về mọi mặt với nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực. Nhiều hủ tục lạc hậu từng bước được xóa bỏ, nếp sống văn minh được lan tỏa, bồi đắp.
Một đám cưới thực hiện theo nếp sống văn minh ở Bắc Ninh (Ảnh: NQ)
Trong giai đoạn 2014 - 2018, toàn tỉnh Bắc Ninh đã có 48.307 đám cưới thực hiện tốt nếp sống văn minh (đạt trên 90% so với tổng số). Nhìn chung các đám cưới đều được tổ chức trên cơ sở tìm hiểu, tự nguyện của đôi nam nữ, bảo đảm thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình. Hầu hết đám cưới tổ chức từ 1 ngày đến 1,5 ngày, không làm cỗ mời khách tràn lan, không bày thuốc lá tiếp khách. Tục lại mặt cơ bản được xóa bỏ, nhất là trong khối cán bộ công chức. Lễ đưa dâu, đón rể được tổ chức trang trọng, lịch sự và phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế xã hội của gia đình, địa phương. Cùng với đó, nêu cao truyền thống “Kính lão, trọng thọ” của dân tộc, Hội người cao tuổi các cấp đã tổ chức tốt việc mừng thọ cho hội viên ở các độ tuổi: 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 tuổi trở lên vào dịp Tết Nguyên Đán. Tổ chức thăm, tặng quà, chúc thọ người cao tuổi 90 tuổi, 100 tuổi trở lên. Trong đó, việc tổ chức chúc thọ thường được tổ chức tập trung tại xã hoặc tại Nhà văn hóa thôn, Đình làng vào một ngày. Tại các gia đình có người được chúc thọ phần lớn chỉ tổ chức trà nước, bánh kẹo mời khách, không bày đặt ăn uống linh đình. Có thể kể ra nhiều điển hình tiêu biểu thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới và chúc thọ người cao tuổi như: Xã Phật Tích, xã Việt Đoàn (huyện Tiên Du); xã Phú Hoà (huyện Lương Tài); các xã Đình Tổ, Hoài Thượng, Mão Điền, An Bình (huyện Thuận Thành); phường Tân Hồng (thị xã Từ Sơn); thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang (huyện Yên Phong); thôn Lê Lợi, xã Nhân Thắng và thôn Đại Lai, xã Đại Lai (huyện Gia Bình)…
Đối với việc tang, các địa phương ở Bắc Ninh đã dần xóa bỏ các hủ tục mê tín dị đoan, tình trạng tổ chức ăn uống trong ngày tang lễ và các ngày tuần tiết giảm dần. Theo tổng hợp từ các địa phương, 5 năm qua trên địa bàn tỉnh có 26.747 đám tang, trong đó trên 98% thực hiện tốt nếp sống văn minh. Đến nay, cơ bản các đám tang, nhất là đám tang của gia đình cán bộ công chức, viên chức thực hiện tốt quy định về nếp sống văn minh, sử dụng vòng hoa luân chuyển, xây mộ đúng quy định, không tổ chức ăn uống trong ngày tang lễ và ngày tuần tiết. Tỷ lệ gia đình thực hiện điện táng, hỏa táng người chết đã tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2014, có 786/4032 đám tang thực hiện hỏa tang, điện táng (chiếm tỷ lệ 19,5%) thì đến năm 2018 có 1.753/4257 đám tang thực hiện hỏa táng (chiếm tỷ lệ 40,9%), so với năm 2014 tăng 21,7%. Trong đó, tiêu biểu nhất là thôn Phú Mỹ, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành có tỷ lệ đám tang hỏa táng đạt 100%.
Theo đồng chí Trần Quang Nam, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, trong những năm qua việc thực hiện nếp sống văn minh không những đã góp phần tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo chuyển biến trong xây dựng mô hình gia đình mới, bình đẳng, ấm no, hạnh phúc. Thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện nếp sống văn minh, tạo sự đồng thuận trong đời sống nhân dân, các cấp, ngành, địa phương ở Bắc Ninh sẽ tiếp tục rà soát tổng thể những quy định liên quan, từ đó nghiên cứu tham mưu để sửa đổi bổ sung các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, tân gia, mừng thọ, tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống và đón nhận các danh hiệu thi đua phù hợp với các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nêu gương những điển hình tiên tiến, những mô hình làm tốt về nếp sống văn minh. Nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đồng thời phát động phong trào rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, nêu cao vai trò làm chủ, ý thức tự giác của nhân dân khi xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn về nếp sống văn minh, từ đó tạo ra dư luận xã hội mạnh mẽ phê phán những biểu hiện cổ hủ, xa hoa lãng phí, vụ lợi không phù hợp với yêu cầu của cuộc sống mới. Đồng thời, gắn xây dựng nếp sống văn minh với xây dựng nông thôn mới và tăng cường xây dựng các thiết chế văn hóa, hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở./.