Mầm non nảy nở
Đất trời vào Xuân mang theo bao điều kỳ diệu, trên khắp các làng quê, góc phố đang bừng lên nhịp sống mới của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Giữa làn mưa Xuân giăng mắc, chúng tôi về thị trấn Lim (Tiên Du) để được đằm mình trong những lời ca, điệu Quan họ quê hương được thể hiện bởi những liền anh, liền chị “nhí”. Chị Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó Chủ nhiệm CLB Quan họ măng non thị trấn Lim kể chúng tôi nghe nhiều kỷ niệm của mình trong việc gìn giữ, trao truyền Quan họ cho thế hệ trẻ. Chị Hồng Thái nói rằng, gia đình chị có 4 đời hát Quan họ, dù cuộc sống phát triển với nhiều loại hình nghệ thuật khác, song Quan họ vẫn là món ăn tinh thần tinh túy nhất, đặc sắc nhất làm hút hồn bao thế hệ. Dân ca Quan họ hay và ý nghĩa bởi ca từ mộc mạc, trữ tình, phần lớn nói về tình yêu đôi lứa, sự giùng giằng, lưu luyến khôn nguôi khi phải xa nhau hay vui mừng khi gặp gỡ. Quan họ có sức hút kỳ lạ, chẳng thế mà có em trong CLB mới chỉ sinh hoạt được một năm đã ngấm, yêu và đạt giải Nhất trong liên hoan Tiếng hát măng non Quan họ tỉnh năm 2019.
Trải bao thăng trầm lịch sử, dân ca Quan họ cũng có thời kỳ bị lắng xuống, là người được sinh ra và lớn lên bằng những làn điệu Quan họ, liền chị Hồng Thái và liền chị Nguyễn Thị Chung đau đáu, trăn trở về sự hư hao của mạch nguồn di sản khi thời kỳ 4.0 gõ cửa. Hai liền chị đã quyết tâm thành lập nên CLB Quan họ măng non thị trấn Lim. Đầu tiên là những con em trong gia đình đến học hát Quan họ, dần dần có nhiều gia đình đến xin cho con học vào dịp hè, rồi các em tự rủ nhau đến học. Lớp học hát Quan họ do 2 liền chị phụ trách được truyền dạy miễn phí vào dịp hè và sinh hoạt đều đặn vào tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần tại đình làng Lim. “Đàn con” trong CLB của 2 chị ngày một đông, đến nay đã hơn 30 em ở lứa tuổi từ 6-18 đến từ các làng Quan họ gốc: Lũng Giang, Lũng Sơn, Duệ Đông. 10 năm trao truyền và phát triển, nhiều nơi biết đến đã mời CLB đi biểu diễn. Có những buổi các chị đứng chờ các em ở cổng trường rồi thay vội trang phục lên xe đi biểu diễn ở các tỉnh xa như: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hải Dương, Hà Nội… hay đưa đi ăn vội bát phở khi vừa biểu diễn xong đã khuya. Chính sự tận tâm của các chị đã truyền cảm hứng và niềm đam mê cho những mầm non Quan họ nảy nở. Đến nay các thành viên măng non Quan họ đã thuộc nằm lòng nhiều làn điệu Quan họ cổ khó như: “Muốn cho cùng ở một nhà”; “Buôn bấc buôn dầu”; “Ngồi tựa song đào”…
Ban Chủ nhiệm CLB Quan họ măng non thị trấn Lim dạy các em cách chỉnh trang phục Quan họ trước khi vào biểu diễn.
Về thôn Phấn Động, xã Tam Đa (Yên Phong), chúng tôi hỏi thăm đến nhà ông Trần Thọ Lan, 71 tuổi, người dân nơi đây nhiệt tình chỉ đường và gọi ông với cái tên trìu mến “ông Lan Quan họ”. Sở dĩ như vậy, bởi ông đã gắn bó truyền dạy Quan họ cho thế hệ măng non nơi đây đã hơn 20 năm. Dù không phải làng Quan họ gốc nhưng bằng niềm đam mê với Quan họ, lại sẵn chất giọng hát chèo trong quân đội, ông Lan cần mẫn đi đến các làng Quan họ để sưu tầm và theo học Quan họ từ những năm 1990. Có lẽ không hội thi, hội diễn, liên hoan hát Quan họ cấp tỉnh nào ông Lan không có mặt để ghi âm các bài hát Quan họ rồi về tự học có vốn truyền dạy cho các thế hệ trong CLB. Ông tâm sự: Tôi dành cả thời gian, công sức cho Quan họ, vừa làm chủ nhiệm CLB Quan họ lứa tuổi trung niên vừa làm chủ nhiệm CLB Quan họ măng non. Từ năm 1995 đến nay, tôi đã truyền dạy cho hơn 200 em thiếu niên, nhi đồng trong thôn.
Có những gia đình ông dạy cả 3 thế hệ từ mẹ đến con và nay là cháu. Dành cả thời gian, công sức, kinh phí để duy trì và phát triển CLB Quan họ măng non của thôn, ông Lan đã truyền đam mê để nhiều thế hệ trẻ nơi đây trưởng thành và tiếp tục đưa tiếng hát Quan họ vang xa. Hiện nay, CLB đang thường xuyên thu hút hơn 30 em ở độ tuổi từ 5 đến 15 tham gia sinh hoạt.
Những người nặng lòng và tâm huyết với Quan họ như liền chị Hồng Thái, Nguyễn Thị Chung và “ông Lan Quan họ” chỉ là ba trong số rất nhiều những liền anh, liền chị, nghệ nhân trong và ngoài tỉnh đang ngày đêm cần mẫn, trao truyền cho thế hệ măng non để mạch nguồn di sản chảy mãi…
Tre già, măng mọc
Nếu có dịp đến làng xã, thôn, xóm của Bắc Ninh, nhất là vào mùa Xuân, du khách bị níu kéo bởi những làn điệu dân ca Quan họ. Điều đặc biệt nơi đây có những em thiếu nhi mới chỉ 4, 5 tuổi cũng đã biết hát Quan họ. Dù được giới thiệu từ trước nhưng tôi vẫn khá bất ngờ với các liền anh, liền chị nhí CLB Quan họ măng non thị trấn Lim. Mới 6-7 tuổi, nhưng các em có lối văn hóa ứng xử như những liền anh, liền chị. Mỗi câu chào hỏi đều kèm theo dạ, vâng, thưa, gửi, cất lời ca thì ngân vang, da diết. Khi được hỏi về niềm đam mê với Quan họ, Nguyễn Văn Đại Nguyên, 10 tuổi, cho biết: Theo mẹ em kể thì em thích nghe Quan họ từ khi lọt lòng, lúc ru ngủ hay gọi em thức dậy mẹ chỉ cần ca vài câu Quan họ. Khi 5 tuổi theo mẹ ra hội Lim xem các anh, chị hát trên thuyền, thấy em thích mẹ đã xin vào CLB. Em cũng thuộc được hơn 20 bài Quan họ cả lời cổ và lời mới.
Lời ca trong trẻo, mộc mạc của những măng non Quan họ thị trấn Lim cứ níu kéo, khiến tôi lưu luyến, nhất là cặp hát Nguyễn Mai Ngân, 16 tuổi và Dương Thị Bích Vân, 15 tuổi, đạt giải Nhất liên hoan tiếng hát măng non Quan họ do Cung Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức năm 2019. Hai giọng ca mà quện vào như một, Mai Ngân và Bích Vân thể hiện câu Quan họ “Muốn cho cùng ở một nhà” như những liền chị đi chơi Quan họ thực thụ. Mai Ngân chia sẻ: Em thích dân ca Quan họ vì có sự khác biệt và cuốn hút mà không loại hình nghệ thuật nào có. Quan họ có “vang, rền, nền, nảy” mới hát thì rất khó nhưng càng ca thì càng ngấm, bởi ca từ hay, chỉ dạy cho em hiểu hơn về tình nghĩa ở đời.
Để gìn giữ di sản dân ca Quan họ, Bắc Ninh đã có nhiều hành động cụ thể, thiết thực, Quan họ ngày càng lan tỏa sâu rộng trong thế hệ trẻ, đặc biệt là việc đưa Quan họ vào trong trường học đã giúp cho học sinh hiểu hơn về văn hóa Quan họ để có ý thức hơn trong việc gìn giữ. Bà Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng Phòng Công tác học sinh, sinh viên, Sở GD-ĐT cho biết: Từ 2011, Bắc Ninh thực hiện Đề án dạy hát Quan họ trong các trường phổ thông. Các trường có kế hoạch mời nghệ nhân đến truyền dạy cho giáo viên, học sinh ở các tiết học ngoại khóa. Đây được coi là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm ngành Giáo dục-Đào tạo Bắc Ninh triển khai trong năm học.
Toàn tỉnh hiện có gần 50 CLB Quan họ măng non thu hút hàng trăm thanh, thiếu niên, nhi đồng tham gia và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Nhiều mầm non Quan họ đến nay đã trưởng thành và tiếp nối gìn giữ di sản quê hương như: Chu Phương Anh, giải Nhất chương trình “Đậm đà khúc hát dân ca” do Đài Phát Thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức, hiện nay đang công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh và thường xuyên truyền dạy Quan họ cho các thế hệ măng non; Đỗ Đức Anh (Quế Võ) giải Nhất chung kết giọng hát hay dân ca Quan họ Bắc Ninh khi mới 17 tuổi, hiện đang học Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội; Nguyễn Thị Minh Ngọc, sinh năm 2004 (Thuận Thành), Quán quân Tuyệt đỉnh song ca nhí mùa giải 2018 đã đốn tim Ban giám khảo ngay vòng lộ diện với làn điệu Quan họ “Buôn bấc buôn dầu”… Quan họ măng non giờ đây cũng đang nảy nở ở phương trời Tây. Ý thức được việc gìn giữ di sản, những người con quê hương Bắc Ninh ở khắp năm châu cũng đang cần mẫn trao truyền Quan họ cho con, em để di sản được tiếp nối, lan tỏa.
Chính sự tận tụy, tâm huyết của bao thế hệ liền anh, liền chị, nghệ nhân Quan họ cùng sự nhìn nhận đúng đắn của cộng đồng, các cấp, các ngành, những mầm non Quan họ đã ngày càng được chăm sóc, vun xới và nở hoa để mỗi người con Bắc Ninh-Kinh Bắc dù đi đâu vẫn luôn tự hào là người Quan họ.