Ca khúc đã xuất sắc đoạt giải Nhì cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” năm 2010.

Hơn lúc nào hết, phòng chống thiên tai luôn cần sự góp sức của toàn dân, sự quan tâm của toàn xã hội. Vì vậy, một trong những nhân tố quan trọng là tinh thần đoàn kết, hiệp đồng giữa các lực lượng. Và trong cuộc chiến đầy cam go giữa một bên là sức người một bên là sự khắc nghiệt, tàn phá của thiên nhiên đòi hỏi vai trò gương mẫu của cán bộ đảng viên, huy động lực lượng tại chỗ cũng như phát huy sức mạnh tinh thần đại đoàn kết.


Trong thư gửi đồng bào trung du và hạ du chống lụt tháng 6/1947, Bác đã viết: Mùa lụt đã đến gần. Nếu lụt thì đói. Lụt cũng là một thứ giặc ghê gớm. Người ta thường nói “thủy, hỏa, đạo, tặc”. Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt như chống giặc ngoại xâm... Tôi tha thiết kêu gọi đồng bào, bất kỳ già trẻ, trai gái, mọi người đều phải coi việc canh đê, phòng lụt là việc thiết thân của mình: “Lụt thì lút cả làng/ Muốn cho khỏi lụt, thiếp chàng cùng lo”. Chúng ta phải thực hành câu ca dao đó. Ai cũng phải tham gia công việc sửa đê, canh đê... Chúng ta phải kiên quyết tranh cho được thắng lợi trong việc chống giặc lụt. Thắng lợi sẽ giúp cho ta thắng lợi trong cuộc đánh giặc ngoại xâm. Mong toàn thể đồng bào gắng sức.

Để chống được giặc ngoại xâm, từ hàng nghìn năm nay, chúng ta đã có rất nhiều bài học xương máu từ công tác tổ chức, chỉ huy, xây dựng chiến thuật, thế trận…Để phòng, tránh và ngăn chặn thiên tai, chúng ta cũng đã từng có những kinh nghiệm rất quý từ việc đắp đê chống lụt đến chuyện xây nhà chống bão. "Chống giặc nước cũng như chống giặc ngoại xâm", lời dạy của Bác đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 7 năm 1960 trong bộ quần áo nâu sồng, đội mũ cát, chân đi dép cao su, trực tiếp kiểm tra đê và kè đê ven sông Cầu thuộc địa phận thôn Thống Thượng, xã Việt Thống, huyện Võ Giàng (nay thuộc thành phố Bắc Ninh), tỉnh Bắc Ninh vẫn gây xúc động đối với nhiều thế hệ cán bộ và Nhân dân.

Năm 2022, với mong muốn được lưu giữ địa điểm nơi Bác về thăm quê hương Bắc Ninh cho các thế hệ mai sau, Đảng và Nhà nước đã đầu tư xây dựng công trình biểu tượng nơi Bác Hồ về thăm và kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại vị trí K64+650 đê Hữu Cầu, thôn Thống Thượng. Nhân dân địa phương vân quen gọi công trình là “Miếu Bác Hồ”.

Vào ngày hội làng hàng năm, nơi đây thường tổ chức lễ rước nước trang trọng từ đình làng ra sông và dừng lại thắp hương ở miếu, sau đó mới xuống bến đò ra giữa sông lấy nước về làm lễ ở đình./.

PV