Học sinh trường Tiểu học Suối Hoa (thành phố Bắc Ninh) trải nghiệm nghề làm tranh dân gian Đông Hồ

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh về việc xây dựng Hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” và việc mời Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp, tư vấn thực hiện nhiệm vụ xây dựng hồ sơ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch xây dựng Hồ sơ gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.

Làng nghề tranh dân gian Đông Hồ thuộc xã Song Hồ (huyện Thuận Thành) có sự hình thành và phát triển từ mấy trăm năm qua. Tranh Đông Hồ  là một nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam hấp dẫn, độc đáo ở màu sắc, bố cục, khuôn hình. Với những chất liệu hoàn toàn tự nhiên, tranh Đông Hồ có màu sắc gần gũi, ấm áp, đặc biệt có giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc.

Trước đó, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1-tháng 12/2012) ở loại hình Nghề thủ công truyền thống. Việc lập hồ sơ khoa học trình UNESCO đưa “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa làng nghề và nâng cao ý thức người dân trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 12 di sản được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Trong đó, Bắc Ninh có hai di sản gồm: Dân ca quan họ và Ca trù (di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp)./.

Theo Bắc Ninh Online