Cụ thể, Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành văn bản số 1496/UBND-KGVX, thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về chủ trương xuất bản sách về Hội nghị Bình Than lịch sử.

Di tích Đền Tam Phủ nằm trên bãi Nguyệt Bàn, xã Cao Đức, huyện Gia Bình.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đồng ý chủ trương cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch biên soạn, xuất bản sách về Hội nghị Bình Than lịch sử, với tiêu đề: “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích văn hóa Bình Than Nguyệt Bàn”; số lượng 1.000 cuốn, 400 trang/cuốn; kinh phí thực hiện khoảng 300 triệu đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai tổ chức thực hiện nội dung trên đảm bảo theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Hội nghị Bình Than là hội nghị quân sự của các vương hầu, bách quan dưới triều Trần, bàn kế sách chống quân xâm lược Nguyên - Mông, bảo vệ đất nước. Hội nghị là minh chứng cho sự đoàn kết, thống nhất ý chí, quyết tâm đánh giặc của quý tộc triều Trần và lan tỏa, huy động được lực lượng rộng rãi trong tất cả tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống xâm lược của quân dân nhà Trần thế kỉ XIII diễn ra tại vùng sông nước Lục đầu giang lịch sử thuộc tỉnh Bắc Ninh. Ngày nay, địa danh Bình Than - Nguyệt Bàn thuộc xã Cao Đức, huyện Gia Bình, nơi đây có di tích Đền Tam Phủ đã được UBND tỉnh công nhận là 1 trong 14 điểm du lịch của tỉnh.

Giá trị nổi bật của đền Tam Phủ và bãi Nguyệt Bàn là thuộc vùng sông Bình Than xưa-địa danh lịch sử nổi tiếng nơi các vua nhà Trần triệu tập Hội nghị quân sự bàn kế sách đánh giặc Nguyên-Mông. Về sông Bình Than và các đoạn sông như Đại Than, Cửa Đại Than, đã được thư tịch sử sách cổ ghi chép lại.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn ghi chép như sau: “Mùa đông, tháng mười (1282), vua ra ngự Bình Than đóng ở vùng Trần Xá họp các vương hầu và trăm quan bàn kế sách công thủ và chia nhau đóng giữ những nơi hiểm yếu”; đoạn khác của sách lại ghi: “Mùa thu, tháng Tám (1283) Hưng Đạo Vương điều các quân của vương hầu duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu, chia quân đóng giữ Bình Than và những nơi xung yếu khác”.

Đền Tam Phủ và bãi Nguyệt Bàn thuộc vùng sông Bình Than, Đại Than là địa danh lịch sử nổi tiếng, nơi các vua nhà Trần triệu tập Hội nghị quân sự bàn kế sách đánh giặc và cũng là địa bàn quyết chiến trong cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông. Đây là những di tích gắn liền với những trang sử hào hùng nổi tiếng chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam./.

Quang Minh