Các thành viên CLB Quan họ măng non Lộ Bao (Nội Duệ) tập luyện biểu diễn chuẩn bị Tết Trung thu.
Hiện 68/68 làng ở Tiên Du đều có tổ, đội, CLB văn hóa, văn nghệ hoạt động sôi nổi, trong đó chủ yếu là sinh hoạt hát Dân ca Quan họ được đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của các tầng lớp nhân dân, nhất là phục vụ các hoạt động lễ hội của các làng, xã. Toàn huyện có 63 CLB Quan họ thôn, làng với hơn 1.000 liền anh, liền chị tham gia hoạt động thường xuyên. Tiêu biểu như CLB Quan họ thôn Lũng Giang, thị trấn Lim; CLB Quan họ Hoài Thị, Liên Bão; CLB Quan họ Người Cao tuổi thị trấn Lim… Theo đánh giá của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện thì các tổ, đội, CLB văn nghệ đa số đều hoạt động tích cực, là lực lượng chính khơi dậy và duy trì phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương.
Điển hình là CLB Quan họ Lũng Giang (thị trấn Lim) vẫn duy trì sinh hoạt đều đặn, hơn 40 năm trôi qua, có thời điểm thu hút gần 70 người tham gia. Nghệ nhân Quan họ Nguyễn Hữu Thoa, Chủ nhiệm CLB, cho biết: Ở làng tôi, khoảng 6, 7 tuổi là hát Quan họ, được sinh ra và lớn lên tại làng Quan họ gốc nên chất dân ca đã đi vào tiềm thức và thấm đẫm trong con người từ thuở ấu thơ cho đến tận bây giờ. Chúng tôi, thế hệ sau theo thế hệ trước đến các nhà chứa Quan họ để học hát và tham gia các nhóm, đội Quan họ.
CLB Quan họ làng Lũng Giang với đủ các thế hệ từ 10 tuổi đến 90 tuổi, riêng Quan họ măng non có gần 20 thành viên. Từ khi tỉnh đầu tư xây dựng nhà chứa Quan họ, tạo điều kiện về địa điểm để CLB sinh hoạt đều đặn hàng tuần giúp các thành viên có nhiều thời gian luyện hát Quan họ đối đáp. Liền chị Nguyễn Thị Nhung, 77 tuổi, thành viên CLB chia sẻ: “Dù hiện nay có nhiều loại hình nghệ thuật, nhưng ở Tiên Du, Quan họ vẫn được nhân dân nơi đây yêu thích và say mê. Nhất là từ khi Quan họ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì Quan họ lại càng phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng, tạo sân chơi văn hóa, văn nghệ bổ ích cho mọi lứa tuổi ở quê tôi.
Ngày nay Quan họ còn được thế hệ măng non yêu thích, nhiều CLB Quan họ măng non ở Tiên Du ra đời giúp các em có vốn về văn hóa Quan họ ngay từ khi còn trên ghế nhà trường như CLB Quan họ măng non thôn Lộ Bao (Nội Duệ); CLB Quan họ măng non thôn Hoài Thị (Liên Bão)… Mặc dù việc học hát Quan họ cổ không phải điều dễ dàng nhưng với sự tâm huyết truyền dạy của các nghệ nhân, liền anh, liền chị trong các CLB, nhiều thành viên nhí đã thuộc được một số làn điệu Quan họ cổ, Quan họ lời mới và là “cây” văn nghệ tiêu biểu của trường, lớp.
Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ngày càng được khẳng định và có sức hấp dẫn mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân ở các thôn, làng trên địa bàn huyện Tiên Du. Văn nghệ quần chúng không những tạo sân chơi lành mạnh, vui tươi cho nhân dân mà còn góp phần giữ gìn, thực hành và lưu truyền, phát huy, gìn giữ di sản văn hóa Quan họ Bắc Ninh. Tại xã Phú Lâm có 5 thôn nhưng có tới 6 CLB Quan họ hoạt động. Ông Nguyễn Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lâm cho biết: Phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương phát triển mạnh mẽ đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần, nhất là vào dịp lễ, kỷ niệm, ngày hội làng các CLB là lực lượng chính biểu diễn phục vụ nhân dân...
Để thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển, hàng năm Tiên Du tổ chức nhiều chương trình văn nghệ giao lưu, hội thi, hội diễn từ cấp cơ sở đến huyện thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Các chương trình văn nghệ quần chúng thường được phát động và biểu diễn gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương và các ngày lễ lớn của dân tộc. Theo đánh giá của giới chuyên môn, để hoạt động nghệ thuật quần chúng có chất lượng bên cạnh lòng nhiệt tình, trách nhiệm của mỗi thành viên, từng địa phương cần biết khơi dậy tình yêu văn nghệ, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, đặc biệt cần có sự quan tâm, động viên một phần về kinh phí để các CLB sinh hoạt và khích lệ phong trào.
Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng không những tạo sân chơi lành mạnh cho nhiều lứa tuổi, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của nhân dân mà còn góp phần giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư./.