Ai về kẻ Nía, Đông Hồ
Cho tôi nhắn nhủ đôi cô hàng vàng
Tre non lột lạt bó vàng
Tre già rủ lá đan sàng nên chăng
(Ca dao địa phương)
Về thời gian ra đời của tranh dân gian Đông Hồ có người cho rằng có từ thời Lý, Trần. Có người cho rằng có từ thế kỷ XV do ông Lương Nhữ Hộc, một người làm quan người Hải Dương truyền lại. Có ý kiến lại cho rằng có từ thời Hồ, vì thấy có sự liên quan đến kỹ thuật in tiền giấy của Hồ Quí Ly. Người ta tìm thấy một bài thơ “Tứ thời khúc vịnh” của ông Hoàng Sĩ Khải ở làng Lai Xá, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, trong bài thơ có nói đến tranh gà, lợn. Nhưng cũng có ý kiến thông qua việc so sánh tranh dân gian Đông Hồ với những mảng chạm khắc trang trí đình làng vào các thế kỷ XVI, XVII thấy có khá nhiều nét tương đồng về nội dung nên khẳng định thời gian ra đời của tranh dân gian Đông Hồ vào khoảng cuối thế kỷ XVI, hoặc thế kỷ XVII. Theo chúng tôi được biết trước thế kỷ XVI, XVII tranh khắc tuy chiếm vị trí khá quan trọng, nhưng hầu hết chỉ tham gia vào việc thể hiện những bản kinh Phật, in sách hoặc tranh thờ, như vậy có thể khẳng định tranh Đông Hồ phát triển nhất vào thế kỷ XVIII.
Tranh dân gian Đông Hồ là loại hình đồ họa khắc gỗ, có ưu điểm là in được nhiều bản. Đồ họa là một loại hình nghệ thuật có sự đơn giản đường nét và có tính khái quát cao đến mức tối thiểu nhất, tinh giản đến mức không thể tinh giản hơn được nữa, để biểu đạt ý tưởng của người nghệ sỹ, nghệ nhân.
Tranh in trên chất liệu giấy dó, quét nền mầu hoặc quét điệp. Có 6 mầu cơ bản được làm từ các sản vật có nguồn gốc tự nhiên rất rẻ tiền, dễ kiếm, như: Mầu trắng được làm từ vỏ sò, vỏ điệp; Mầu vàng làm từ hoa hòe, hạt dành dành; Mầu đỏ vang làm từ gỗ vang; Mầu xanh chàm làm từ lá cây chàm; Mầu đỏ son làm từ sỏi son; Màu đen làm từ rơm nếp, hoặc lá tre.
Một tờ tranh đẹp phải đạt được những yếu tố sau: Đường nét phải dứt khoát, hình thể có tính khái quát cao, miêu tả đúng đối tượng về dáng dấp cũng như thần thái. Mầu sắc phải tươi tắn, rõ ràng, tách bạch, trong trẻo, bố cục cân xứng. Thường có chữ Hán, chữ Nôm đề trên mặt tranh, một phần để làm rõ hơn ý nghĩa của tờ tranh, một phần làm chặt chẽ thêm cho bố cục.
Nếu đánh giá một chiếc bình gốm người ta thường nói nhất dáng, nhì da (Hình dáng của sản phẩm quan trọng hàng đầu, mầu men quan trọng thứ hai), thì trong tranh Đông Hồ đường nét là chủ yếu, còn mầu sắc là thứ yếu. Ván in nét mầu đen có chức năng định hình, nhưng cũng làm cho các mầu nguyên chất đặt cạnh nhau giảm bớt độ sặc sỡ. Nét giữ nhịp làm ổn định, tăng hiệu quả các mảng mầu. Mầu sắc chia làm hai loại và chia theo sắc: Loại tranh sắc đỏ có nền màu đỏ vàng, hồng điều, hồng hoàng; Tranh sắc trắng có loại để nguyên mầu giấy dó, loại thứ hai được quét điệp.
Có 5 chủ đề chính, đó là tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh theo bộ, tranh lịch sử và tranh sinh hoạt. Tranh thờ gồm các bức tranh Táo quân (Thần bếp), Tranh Thổ công (Thần Đất), tranh Thần nghề, (còn gọi là Tổ nghề hay Tiên sư vi); Gia đình có tranh tướng canh cửa Vũ Đinh và Thiên Ất; Tranh tử vi, trấn trạch; Tranh Phật giáo Thập điện Diêm Vương; Tranh thờ Mẫu - Tam phủ, tứ phủ; Tranh Ngũ hổ, Hoàng hổ.
Tranh chúc tụng: Thường gặp các loại Vinh hoa, phú quý; Nhân nghĩa; Lễ trí; Tranh gà; Tranh lợn; Tranh bộ: Có Tứ bình, Tứ quý, nhị bình (Xuân, hạ, thu, đông); Ngư , tiều, canh, mục; Tố nữ… Tranh lịch sử: Tranh Đổng Thiên Vương, Đinh Tiên Hoàng; Ngô Vương Quyền, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Quang Trung, Lê Lợi…Tranh sinh hoạt: Đám rước, Đánh vật, Vinh qui bái tổ, tranh về lễ hội…
Ngày xưa tranh Đông Hồ cung cấp cho cả vùng đồng bằng Bắc Bộ, người buôn đóng thành bồ trở đi bán tất cả các chợ quê. Lối chơi tranh cũng như cách thức làm tranh, xuất phát từ nền kinh tế tiểu nông. Người ta làm tranh lúc nông nhàn. Những hình tượng thể hiện trong tranh Đông Hồ thường nói lên ước mơ của người nông dân sống ở làng xã, đó là những sự cầu mong sao cho nhân khang vật thịnh, tốt con người, tươi con của, mùa màng bội thu, học hành đỗ đạt, rồi mô tả cả công việc làm ăn cũng như khi vui chơi trong hội hè đình đám… Dù mô tả cái gì chăng nữa cũng luôn thể hiện được cái hồn cốt của người nông dân sống ở làng quê bắc Bộ.
Người ta xem tranh dân gian Đông Hồ cốt đạt được cái đại thể, cái ý tứ, chứ không xem bằng con mắt kỹ thuật, kỹ xảo (tecnic), không xem cần biết vẽ đúng hay không đúng. Chỉ cần sự thuận mắt, thuận tình, không phức tạp, mà luôn phóng khoáng, khỏe khoắn, hồn nhiên và dí dỏm. Nơi ăn chốn ở của các gia đình nông dân xưa còn sơ sài, thiếu thốn, nhà tranh vách đất, ánh sáng trong nhà ảm đạm…Chuẩn bị đón Xuân, ăn Tết người ta mua tranh Đông Hồ về dán lên vách, lên tường làm cho căn nhà sáng sủa, tươi vui lên. Vả lại tranh có giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền của mọi người, mọi nhà, vì thế mua vài tờ tranh về treo tết cho không khí vui nhộn, ấm áp lòng người.
Nếu tranh Hàng Trống (Hà Nội) có chất tinh khéo, phục vụ thị dân ở kẻ chợ, thì tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) phù hợp với thẩm mỹ của người nông dân với nền kinh tế nông nghiệp lúa nước. Giới nghiên cứu Mỹ thuật cho biết tại một số ngôi đình làng, nghệ thuật chạm khắc trang trí cũng bắt gặp đề tài đánh ghen, lợn ăn lá dáy gần giống như tranh Đông Hồ…/.