Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh khánh thành tháng 5-2019 ngay trên đất thủy tổ Quan họ-làng Diềm (Hòa Long, thành phố Bắc Ninh), công trình được ví như “Thánh đường Quan họ” này đã hiện thực hóa “giấc mơ nhiều đời” của người Quan họ, mở ra không gian diễn xướng sang trọng, đẳng cấp, xứng tầm với những giá trị lấp lánh, vĩnh cửu thường hằng của một di sản văn hóa thế giới...

Giấc mơ của nhiều đời

Với tầm nhìn thiết kế đến 50 năm, công trình Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh được khánh thành mang đến không gian diễn xướng mới cho những sáng tạo, thể nghiệm Quan họ đương đại đồng thời cũng kỳ vọng trở thành một bảo tàng sống (living museum) lưu giữ những trị nhân văn, tinh túy nhất của di sản văn hóa Quan họ với sự giao thoa kết nối từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Đây còn là một trong những công trình trọng điểm mang tính biểu tượng, tạo dấu ấn kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của thành phố Bắc Ninh văn hiến, phát triển... Cộng đồng Quan họ, giới hoạt động nghệ thuật và đặc biệt là các nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp đều nức lòng khi được thăng hoa ở một không gian hiện đại với các thiết bị âm thanh, ánh sáng được đầu tư đồng bộ, tiên tiến nhất. Như lời phát biểu của lãnh đạo tỉnh tại lễ khánh thành, công trình Nhà hát Dân ca Quan họ đã biến mơ ước nhiều đời của người yêu Quan họ thành hiện thực...


Công trình Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh với kiến trúc hiện đại, độc đáo tọa lạc trên đất Thủy tổ Quan họ - làng Diềm, Hòa Long, thành phố Bắc Ninh.

Mãi tấm tắc xúc động về sự quan tâm của toàn xã hội, nhất là các cấp, ngành chính quyền trong tỉnh đã chăm lo đầu tư để Quan họ có một không gian nghệ thuật sang trọng như bây giờ, NSND Thúy Cải, nguyên Trưởng Đoàn Dân ca Quan họ (nay là Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh) hồi tưởng lại những buổi biểu diễn phục vụ nhân dân của năm tháng thiếu thốn xưa: Máy phát điện thì cải tiến từ máy bơm nước Ba Lan, phương tiện vận chuyển bằng xe cải tiến, xe bò, người kéo... Buổi diễn đầu tiên trên bãi chiếu bóng đồi Lim, anh em nghệ sĩ, diễn viên ai nấy đều phấp phỏng lo lắng vì lần đầu tiên một loại hình nghệ thuật dân gian được đưa lên biểu diễn trên sân khấu hoàn toàn mới mẻ. Nhưng thật bất ngờ vì mới chập tối, khi điểm bán vé vừa sáng đèn thì khán giả từ các ngả đường ùn ùn kéo đến, người dồn vào bãi mỗi lúc một đông, cửa vé ùn tắc, bán không kịp rồi vỡ òa tháo khoán... Giai đoạn khó khăn ấy, dù trong mơ anh chị em nghệ sĩ cũng không dám hình dung về một cơ ngơi đẹp lộng lẫy, lịch sự như hôm nay...

Đặt vấn đề về công tác quản lý, khai thác phát huy thiết chế hiện đại này, ông Lê Mạnh Thắng, Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh cho biết: Dự án đầu tư hiện mới hoàn thiện giai đoạn 1 gồm Trụ sở làm việc và công trình Nhà hát, còn lại hệ thống hạ tầng kỹ thuật sân vườn, hồ nước, cây xanh... vẫn đang được thi công theo tiến độ. Mặc dù chưa được bàn giao song với vai trò là đơn vị hoạt động chuyên môn, Nhà hát đang tham khảo các phương án để tham mưu xây dựng cơ chế quản lý, khai thác sử dụng và hoạt động nghệ thuật nhằm phát huy hiệu quả công trình. Trước mắt cần một bộ máy quản lý để vận hành công trình. Tiếp đến là kế hoạch sáng đèn biểu diễn theo định kỳ hàng tháng, hàng quý; tổ chức không gian trưng bày tư liệu, mô hình về văn hóa Quan họ; mời các đoàn nghệ thuật quần chúng trong nước đến biểu diễn phục vụ miễn phí nhân dân tạo sắc màu văn hóa mới, tăng sự phong phú, hấp dẫn và lan tỏa di sản; liên kết với các đơn vị kinh doanh du lịch để tổ chức tour, tuyến thu hút khách tham quan kiến trúc kết hợp thưởng thức di sản Dân ca Quan họ...

Nghĩ mới và làm mới

Phát triển văn hóa cần có định hướng lâu dài và không thể nóng vội. Trong điều kiện mới, bối cảnh mới đòi hỏi cách nghĩ, cách làm cũng phải mới. Bên cạnh tầm nhìn cơ sở vật chất thì việc “gieo mầm” các giá trị thẩm mỹ, tạo dựng thói quen thưởng thức nghệ thuật trong các tầng lớp nhân dân cũng quan trọng không kém.

Ngay khi hình hài của công trình Nhà hát Dân ca Quan họ hiện ra, cùng với niềm vui, tự hào là áp lực và thách thức. Bởi, thực tiễn cho thấy, muốn phát huy hiệu quả công năng của thiết chế Nhà hát, kéo được người dân đến tham quan, thưởng thức văn hóa nghệ thuật trong thời gian sắp tới sẽ là một bài toán phức tạp mà để giải được phải có nhiều điều kiện cần và đủ. Trong đó, cơ chế, phương thức quản lý, quy tắc vận hành là vấn đề mấu chốt cần tập trung trước nhất. Hơn nữa, cội nguồn văn hóa Quan họ vốn “bén rễ, xanh cây” từ cộng đồng làng xã nên cần có thêm thời gian để người dân hình thành thói quen đến Rạp, đến Nhà hát thưởng thức các chương trình nghệ thuật chất lượng. Vì thế, có thể sẽ phải tổ chức biểu diễn phục vụ miễn phí trong khoảng thời gian nhất định để “nuôi” khán giả, thu hút công chúng đến với văn hóa nghệ thuật truyền thống. Kèm theo đó là một kế hoạch truyền thông dài hơi, bài bản với nhiều phương thức quảng bá trên các kênh thông tin đại chúng, tận dụng thế mạnh tích cực của mạng xã hội để mở rộng đối tượng, thu hút du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng công trình và thưởng thức văn hóa nghệ thuật tại Nhà hát. Cũng cần một cơ chế mở cho việc áp dụng thử nghiệm các mô hình hoạt động, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhằm tìm ra phương án vận hành tối ưu nhất để thiết chế Nhà hát thực sự trở thành “thánh đường Quan họ” như niềm mong mỏi, kỳ vọng...

Quan họ truyền thống có thiết chế văn hóa tương đối hoàn chỉnh bao gồm tổ chức, cơ sở vật chất và phương thức hoạt động. Sang thế kỉ 21, sức sống của “nghề chơi Quan họ” cũng được biểu hiện đa dạng hình thức với nhiều cấp độ khác nhau. Do đó, ngoài những địa điểm chung sẵn có của làng để sinh hoạt văn hóa Quan họ như: Đình, đền, chùa hoặc đồi, đê, sông, hồ, ao… còn đòi hỏi những thiết chế quan trọng như Nhà chứa, Nhà hát và các điều kiện cơ sở vật chất khác nhằm tạo không gian diễn xướng phù hợp, tương xứng giá trị di sản và đáp ứng yêu cầu thời đại.

Ông Trần Quang Nam, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Những năm tới, Bắc Ninh bước sang thời kỳ phát triển mới với sự hội nhập ngày càng sâu rộng, trong đó văn hóa giữ vai trò là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh nói riêng cần được đặt trong bối cảnh của công nghiệp văn hóa với phương pháp tiếp cận mới, hiện đại...

Có rất nhiều nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện như: Tiếp tục bổ sung cơ chế chính sách, vinh danh nghệ nhân; tăng cường công tác nghiên cứu, sưu tầm toàn diện và xây dựng Bách khoa toàn thư về di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh; tổ chức phong phú các hoạt động tuyên truyền quảng bá; nâng cao chất lượng hoạt động truyền dạy tại cộng đồng, trong các trường phổ thông và đào tạo chuyên nghiệp; nghiên cứu xây dựng, ban hành chính sách khuyến khích cộng đồng chung tay bảo tồn di sản... Vấn đề cần quan tâm đặc biệt là kết nối các không gian bảo tồn văn hóa Quan họ với phát triển du lịch bền vững, góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, ngành tập trung tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách và hướng dẫn quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích các thiết chế Nhà hát, Nhà chứa Quan họ... Mục tiêu hướng đến, mỗi thiết chế vừa là không gian diễn xướng, giao lưu, truyền dạy vừa phát huy công năng như các “bảo tàng sống mini” lưu giữ, giới thiệu bản sắc, vẻ đẹp tinh túy của di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh nhằm đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân và du khách trong nước, quốc tế.

 

Theo Báo Bắc Ninh