Nằm trong vùng đất giàu truyền thống với các tầng lớp văn hóa chồng xếp lên nhau dày và đậm đặc đã sinh ra tâm tính của người Bắc Ninh tao nhã, trọng tình, đề cao văn hóa. Mỗi năm, Bắc Ninh có khoảng 549 lễ hội lớn nhỏ diễn ra ở tất cả các mùa nhưng tập trung dày đặc nhất vào mùa xuân. Với người dân Bắc Ninh, lễ hội là một nét đẹp văn hóa bất biến và không thể thiếu trong đời sống. Các cộng đồng làng, xã tổ chức lễ hội để bảo tồn những giá trị thiêng liêng, để kế thừa, trao truyền cái “gốc quý” của mình và để giáo dục truyền thống. Người dân tham gia lễ hội bằng một tâm thức cầu nguyện an lành với trách nhiệm bảo vệ di tích và thực hành những nghi lễ trang nghiêm, bài bản của ông cha. Trong khi đó, các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đều sát sao chỉ đạo từ trước, trong và sau lễ hội bằng nhiều hình thức với quyết tâm gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, hạn chế tối đa những tồn tại và biểu hiện lệch lạc, biến tướng trong lễ hội...
Tuổi trẻ kế thừa, thực hành các nghi lễ truyền thống ở lễ hội Đền Đô (thị xã Từ Sơn).
Năm 2019 vừa qua, về cơ bản các lễ hội trên địa tỉnh diễn ra an toàn, lành mạnh, mang đậm nét văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc. Những lễ hội thu hút đông du khách trảy hội như: Hội Đồng Kỵ, lễ hội khán hoa Mẫu đơn chùa Phật Tích, hội Lim, lễ hội lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, hoạt động tín ngưỡng và lễ hội đền Bà Chúa kho… Theo đánh giá của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Hầu hết các lễ hội đều thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; các hoạt động lễ hội dần đi vào nền nếp với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân; các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với bản sắc văn hóa, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử dân tộc và tinh thần yêu quê hương, đất nước; không gian lễ hội được quy hoạch bài bản; công tác vệ sinh môi trường được bảo đảm, khu vực trông giữ xe được bố trí thuận tiện cho khách hành hương; việc phân luồng giao thông được quan tâm và thực hiện tốt, không còn tình trạng ùn tắc được cải thiện đáng kể ở hội Lim, đền Bà Chúa Kho và lễ hội Kinh Dương Vương.
Du xuân trảy hội là nét đẹp văn hóa thẩm sâu trong tâm thức người dân Việt. Và du xuân thế nào để bảo đảm an toàn, lành mạnh, văn minh luôn là câu chuyện được nhắc đi nhắc lại mỗi mùa lễ hội. Ý thức cùng với cách ứng xử hiểu biết, văn minh của du khách khi tham gia các hoạt động tín ngưỡng tâm linh và vui chơi, giải trí ở lễ hội chính là yếu tố quan trọng để xây dựng không gian lễ hội lành mạnh…
Chuẩn bị bước vào mùa lễ hội Xuân Canh Tý 2020, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm ban hành Hướng dẫn công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức lễ hội, trong đó tiếp tục lưu ý một số nội dung trọng tâm như: Quá trình tổ chức phải nêu bật ý nghĩa, giá trị đặc sắc của từng lễ hội, tránh làm biến dạng lễ hội. Phần lễ cần được tiến hành trang trọng, đúng nghi thức truyền thống và không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc. Phần hội chú trọng tính giáo dục truyền thống về lối sống, phong tục tập quán thể hiện qua trò chơi dân gian. Các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm phát huy được nét đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc. Bên cạnh đó, cần chú trọng quy hoạch tổng thể không gian lễ hội nhằm bảo đảm khu vực tổ chức hoạt động dịch vụ không lấn chiếm khuôn viên di tích và yêu cầu người cung ứng dịch vụ, hàng hóa tại lễ hội phải niêm yết và bán đúng giá công khai, không chèo kéo, ép giá du khách...
Hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn đặc biệt lưu ý, các Ban tổ chức cần tăng cường giới thiệu về ý nghĩa lễ hội, giá trị của di tích, công trạng của các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh... Tuyên truyền vận động người dân và du khách khi tham gia lễ hội có ứng xử văn hóa, trang phục lịch sự, giữ gìn vệ sinh môi trường, thắp hương, đặt tiền giọt dầu đúng nơi quy định, hạn chế đốt vàng mã, không chen lấn xô đẩy gây mất an ninh trật tự, không nói tục chửi thề xúc phạm tâm linh, ảnh hưởng xấu tới không gian trang nghiêm lễ hội. Cán bộ, công chức, viên chức không đi lễ hội trong giờ hành chính, không dùng xe công và các phương tiện công tham gia lễ hội...
Lễ hội là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, là môi trường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, sinh động cho thế hệ trẻ. Vì vậy, mỗi người dân khi tham gia lễ hội cần hiểu đúng nguồn gốc, bản chất đích thực của lễ hội... để góp phần nâng tầm ý nghĩa của việc bảo tồn nét đẹp văn hóa lễ hội trong đời sống đương đại./.