(ĐCSVN) - Phát huy những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nguyện noi gương đồng chí Ngô Gia Tự, đoàn kết thống nhất, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị đề ra, xây dựng quê hương Bắc Ninh giàu đẹp, văn minh...
Chân dung đồng chí Ngô Gia Tự. Ảnh tư liệu
1. Đồng chí Ngô Gia Tự, Người chiến sỹ cộng sản lỗi lạc, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và những phẩm chất cách mạng mẫu mực để Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh học tập và noi theo:
Thứ nhất, đồng chí Ngô Gia Tự là người sớm giác ngộ cách mạng; tích cực truyền bá Chủ nghĩa Mác- Lê nin vào thanh niên, công nhân lao động. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có bề dày truyền thống văn hiến, khoa bảng, được hun đúc bởi truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm của quê hương; trực tiếp chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân dưới ách thống trị của chế dộ thực dân, phong kiến, Ngô Gia Tự đã sớm hình thành tinh thần yêu nước, tư tưởng cách mạng và quyết tâm đấu tranh chống lại ách thống trị của ngoại bang. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Ngô Gia Tự đã tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu và để đang chí sĩ Phan Châu Trinh.Vì những hoạt động đấu tranh yêu nước, Ngô Gia Tự bị đuổi học. Trở về quê, nhưng đồng chí vẫn thường xuyên liên lạc với các bạn bè cùng chí hướng, để tìm con đường cứu nước, cứu dân và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và sau đó tham gia lớp huấn luyện ở Bản Đáy (Trung Quốc). Trở về nước đồng chí đã tích cực tuyên truyền giác ngộ, xây dựng cơ sở cách mạng ở Bắc Ninh- Bắc Giang và nhiều nơi khác. Với nhãn quan chính trị nhạy bén và tầm nhìn chiến lược Ngô Gia Tự đề xuất chủ trương đưa cán bộ đi “vô sản hóa” để csn bộ hòa mình vào thực tiễn, thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với công nhân, thợ thuyền trong các hầm mỏ, đồn điền, nhà máy … để tuyên truyền và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng như công nhân ở Hải Phòng, Nam Định, công nhân mỏ Hòn Gai, Vinh, Bến Thủy, Hà Nội…
Thứ hai, đồng chí là một trong những người sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng- tiền thân Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, nhận thức được xu thế tất yếu của cách mạng nước ta, đồng chí Ngô Gia Tự đã đề xuất và đấu tranh kiên quyết cho việc thành lập một chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Tháng 6 năm 1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội) đồng chí đã tham gia thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí Ngô Gia Tự được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng. Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng đã tác động mạnh mẽ tới sự phát triển về chất của phong trào công nhân và phong trào yêu nước, là tiền đề quan trọng cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam
Thứ ba, đồng chí tích cực giáo dục lý luận chính trị, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.
Thực hiện sự phân công của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí Ngô Gia Tự vào Nam hoạt động, gây dựng cơ sở cách mạng. Trên cương vị lãnh đạo chủ chốt - Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Ngô Gia Tự tập trung vừa chỉ đạo vừa trực tiếp tham gia công tác xây dựng Đảng, vận động quần chúng, xây dựng phong trào, luôn thực hành và giác ngộ đồng chí mình: “Đảng viên phải vì Đảng, vì cách mạng mà hy sinh, đừng vì ta để Đảng và cách mạng phải tổn hại”, khi bị giam trong nhà tù thực dân, đồng chí luôn thực hiện chủ trương biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Là cấp ủy viên của chi ủy chi bộ nhà tù và là một đảng viên lý luận chính trị xuất sắc, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào việc tổ chức thành công, có chất lượng các lớp học lý luận chính trị về Chủ nghĩa Mác- Lênin, về đặc điểm giai cấp trong xã hội Việt Nam, về đường lối, phương pháp cách mạng của Đảng. Bài giảng của đồng chí Ngô Gia Tự dễ nhớ, dễ hiểu, lý lẽ đơn giản mà có sức thuyết phục mọi người.
Ngô Gia Tự cùng đồng chí Hà Huy Giáp và một số đồng chí khác dịch nhiều cuốn sách kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin: “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, “Tư bản”, “Làm gì?”... viết báo, tiếp tục nghiên cứu và rút kinh nghiệm về sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng. Đồng chí Ngô Gia Tự thường nói với bạn tù: “Chúng nó đẩy mình ra đây để cho mình chết. Mình sống được là đã thắng địch. Mỗi lần đấu tranh là một lần đổ máu. Nhưng mặc! Không chịu bó gối đầu hàng!”, “Phải biến nhà tù thành trường học, không nên bỏ phí thời giờ. Bất kỳ ở đâu, chúng ta cũng có thể hoạt động cho chủ nghĩa cộng sản được”.
Thứ tư: Nêu gương sáng, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì lý tưởng cộng sản. Ngày 31-5-1930, trong khi đang làm nhiệm vụ tại một cơ sở ở Phú An bên sông Thị Nghè, đồng chí Ngô Gia Tự bị mật thám bắt. Tại phiên tòa “đại hình đặc biệt” (ngày 2-5-1933) của bọn thực dân, Ngô Gia Tự đã vạch trần mọi thủ đoạn của kẻ thù, đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Bị đày ra Côn Đảo- địa ngục trần gian, bị tra tấn dã man, nhưng đồng chí Ngô Gia Tự vẫn kiên trung giữ vững khí phách người cộng sản ưu tú. Đồng chí luôn nhắn nhủ mọi người: “Chúng mình phải chịu đựng, phải hy sinh tất cả cho Đảng, sinh mệnh của Đảng quý hơn sinh mệnh của mình”.
Không khuất phục được bằng bạo lực, gông cùm, kẻ thù định sát hại Ngô Gia Tự bằng cách mượn tay bọn tù lưu manh. Nhưng bằng khả năng thuyết phục và sự chân tình của mình, Ngô Gia Tự đã cảm hóa được những người tù lưu manh và đưa họ đến với con đường cách mạng. Bằng kinh nghiệm dạn dày từ thực tiễn, Ngô Gia Tự chỉ ra hướng đi đúng đắn, không co mình, phải giành quyền sống, sống để đấu tranh chiến thắng kẻ thù. Đầu năm 1935, chi bộ nhà tù Côn Đảo tổ chức cho các đồng chí Ngô Gia Tự, Tô Chấn, Lê Quang Sung, Trịnh Văn Ó.... vượt biển trở về đất liền để tiếp tục hoạt đồng cách mạng, đồng chí Ngô Gia Tự đã hy sinh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thăm Nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp cách mạng đồng chí Ngô Gia Tự.
Ảnh: H.T
Thứ năm: Chỉ đạo thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc Ninh- Bắc Giang vào ngày 4/8/1929 tại núi Hồng Vân (núi Lim, huyện Tiên Du), đặt nền móng cho sự phát triển phong trào cách mạng, là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của phong trào cách mạng hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
2. Hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: có kế hoạch, hướng dẫn, đề cương tuyên truyền; tổ chức thi tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí; phát triển lớp đảng viên Ngô Gia Tự; phát động các phong trào thi đua yêu nước; tổ chức lễ kỷ niệm tại quê hương Từ Sơn; chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng học tập chuyên đề về tấm gương đồng chí Ngô Gia Tự, coi trọng việc giáo dục lý luận chính trị, giáo dục chủ nghĩa Mác- Lê nin và đổi mới phương pháp giáo dục lý luận chính trị... nhằm khơi dậy niềm tự hào về truyền thống và cách mạng của quê hương, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015- 2020.
* Một số kết quả của tỉnh Bắc Ninh trong phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự: năm 2018, kinh tế tăng trưởng 10,6% (so với năm 2017), đứng thứ 7 cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.136 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 34,8 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người đạt 6.502 USD; thu ngân sách đạt 27.591 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt gần 22.000 tỷ; quy mô nền kinh tế đứng thứ 4 toàn quốc; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đứng thứ 7 và thu ngân sách đứng thứ 10, là một trong 13 tỉnh có điều tiết ngân sách về Trung ương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 97,4%, nông nghiệp còn 2,6%.
Công tác quy hoạch, quản lý xây dựng, phát triển đô thị, xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội được tăng cường, thành phố Bắc Ninh trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh; thị xã Từ Sơn được công nhận là đô thị loại III. Đề án xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022 được tập trung hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Chính trị.
Sản xuất nông nghiệp có sự chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững: hình thành 200 vùng sản xuất lúa, 71 vùng chuyên canh rau màu, 9 vùng sản xuất hoa, cây cảnh cao cấp, 20 vùng cây ăn quả tập trung.. Năm 2018, giá trị trồng trọt ước đạt 104 triệu đồng/ha; hạ tầng kỹ thuật, thủy lợi, đường điện, đường giao thông nội đồng và các kết cấu hạ tầng khác phục vụ sản xuất được đầu tư đồng bộ và khá hoàn chỉnh, với gần 900km kênh mương đã được cứng hóa, 669 trạm bơm phục vụ tưới tiêu. Đến hết năm 2018, có 89 xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 91,75% tổng số xã toàn tỉnh, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn là 18,67 tiêu chí/xã, có 04 đơn vị cấp huyện (Tiên Du, Quế Võ, Gia Bình và Từ Sơn) hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, vượt 30% so với mục tiêu Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
Văn hóa- xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật với nhiều chỉ tiêu đứng cao nhất cả nước như: tỷ lệ trường chuẩn quốc gia chiếm 95,76%, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi, kiên cố hóa phòng học đạt 98,5%; 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia (cao nhất cả nước); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69%; tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 giảm còn 1,72%. Bắc Ninh là một trong những tỉnh có nhiều chính sách an sinh xã hội đi trước và cao hơn mức bình quân của cả nước như mua bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ đủ 65 tuổi, trợ cấp cho người cao tuổi từ đủ 70 tuổi; thực hiện chương trình sữa học đường cho 100% trẻ mầm non và học sinh lớp 1 đến lớp 4 cấp tiểu học. Việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, người có công về đích sớm hơn 3 năm so với kế hoạch cả nước.
Công tác quốc phòng, an ninh được đảm bảo; các mặt công tác nội chính, cải cách hành chính được thực hiện có hiệu quả: thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công của tỉnh, Trung tâm hành chính công cấp huyện và bộ phận một cửa tại 126/126 ủy ban nhân dân cấp xã nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân giải quyết công việc. Công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo có chuyển biến tích cực; công tác tư pháp và cải cách tư pháp được đẩy mạnh, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được thực hiện có hiệu quả. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại nhân dân được mở rộng.
Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị có nhiều đổi mới và đạt được kết quả tích cực: đến giữa nhiệm kỳ đã đạt và vượt 12 chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, các chỉ tiêu còn lại sẽ cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức khi kết thúc nhiệm kỳ. Việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Để phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022 theo hướng “Hiện đại, văn hóa, sinh thái, tri thức và đô thị thông minh” Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp:
Thứ nhất, tổ chức các hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự thiết thực, hiệu quả, qua đó tăng cường giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015- 2020.
Thứ hai, thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng, xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát huy lợi thế so sánh, nâng cao năng lực cạnh tranh để nâng cao hiệu quả kinh tế; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hàng hóa, xây dựng nông thôn mới hài hòa, bền vững.
Thứ ba, tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực: quy hoạch, đất đai, xây dựng cơ bản, tài nguyên, môi trường, giao thông… nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu. Tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội; quản lý chặt chẽ việc thu, chi ngân sách các cấp theo quy định.
Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác quản lý và hiệu quả hoạt động các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, các mặt công tác tư pháp, tiếp dân, giải quyết đơn thư và công tác thanh tra. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại, tạo môi trường ổn định để phát triển bền vững.
Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trước hết là nêu cao trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu. Nâng cao chất lượng các mặt công tác xây dựng Đảng trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết hội nghị Trung ương 4, 6, 7 khóa XII gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự, là dịp để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ôn lại cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng, tấm gương hết lòng vì Đảng, vì đất nước của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Phát huy những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nguyện noi gương đồng chí Ngô Gia Tự, đoàn kết thống nhất, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị đề ra, xây dựng quê hương Bắc Ninh giàu đẹp, văn minh./.