Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn và các thành viên trong Đoàn kiểm tra các sản phẩm OCOP cấp tỉnh (Ảnh: Nguyễn Tuấn)
Chiều 20/12, Thường trực Tỉnh ủy do đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh làm trưởng Đoàn làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá tình hình, kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của ngành giai đoạn 2020-2022; bàn nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2023-2025.
Cùng làm việc có các đồng chí: Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phùng Đức Chiến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Tốc độ tăng giá trị sản phẩm lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2021 đạt 7,99%, ước năm 2022 đạt 0,52%. Tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2021 đạt 2,7%, năm 2022 dự kiến đạt 2,5%. Giá trị sản phẩm/ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng, năm 2020 đạt 132,2 triệu đồng, năm 2021 đạt 134,9 triệu đồng, năm 2022 ước đạt 138,7 triệu đồng. Đến nay, 100% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, có 9 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 100% dân số nông thôn được tiếp cận, sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 83,11% được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025 của ngành Nông nghiệp: Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư, triển khai cơ chế, chính sách nhằm phát triển nhóm danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia, cấp tỉnh. Đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phù hợp tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; tăng cường chế biến đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu. Tiếp tục củng cố, nâng cấp chất lượng sản phẩm OCOP đã được công nhận, đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu. Phấn đấu đến năm 2025 có hơn 200 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP. Tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ các xã đạt chuẩn Nông thôn mới duy trì, hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 2 huyện và 30% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.
Để bảo đảm các mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, các Bộ, ngành liên quan ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi; thống nhất đầu mối trong quản lý và nhận báo cáo đối với nội dung mã số vùng trồng; ban hành quy định giá tối đa sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi; bổ sung danh mục 12 khu vực bãi sông được phép nghiên cứu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đề xuất, kiến nghị tỉnh lập dự án, bố trí vốn xây dựng Điểm giới thiệu, quảng bá nông sản an toàn, sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề; có cơ chế thưởng các đơn vị đạt thành tích trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao; bố trí nguồn vốn cho một số dự án đầu tư xây dựng quan trọng, cấp thiết.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn đánh giá cao những kết quả, nội dung công việc của ngành Nông nghiệp đạt được trong giai đoạn 2020-2022, nhất là trong tái cơ cấu ngành, xây dựng Nông thôn mới, phát triển hạ tầng nông nghiệp… góp phần quan trọng vào thành tựu chung của tỉnh Bắc Ninh.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn thăm mô hình sản xuất khoai tây hang hóa tập trung tại xã Việt Hùng, huyện Quế Võ (Ảnh: Nguyễn Tuấn )
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn cũng đã chỉ rõ một số hạn chế, giải pháp khắc phục, nhiệm vụ trọng tâm ngành Nông nghiệp cần triển khai trong thời gian tới: Định hình rõ tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành. Thay đổi phương thức sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị canh tác. Phát triển chương trình OCOP theo hướng nâng cao chất lượng của các sản phẩm hiện có. Chăm lo đào tạo nghề, chuyển đổi lao động, việc làm, tạo sinh kế nâng cao chất lượng đời sống cho người nông dân. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, liên kết theo chuỗi, nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Rà soát lại cơ chế, chính sách, tham mưu với tỉnh chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và các hoạt động chung, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của ngành. Phối hợp với ngành Văn hóa bảo tồn, phát triển các mô hình làng văn hóa gắn với thu hút du lịch. Có cơ chế thưởng cho các địa phương đạt thành tích cao trong thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao.
Liên quan các đề xuất, kiến nghị của ngành Nông nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn giao UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất theo thẩm quyền. Đối với những đề xuất thuộc thẩm quyền của Trung ương, yêu cầu các sở, ngành tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến trả lời trong thời gian sớm nhất.
Sáng cùng ngày, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn tham quan thực tế tại Khu thực nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh tại xã Việt Đoàn (Tiên Du); kết quả thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao tại xã Đình Tổ (Thuận Thành) và mô hình sản xuất khoai tây hàng hóa tập trung tại xã Việt Hùng (Quế Võ)./.