Đồng chí Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: QM

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Quốc Chung nhấn mạnh: Dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến hầu hết các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội và mọi mặt đời sống của nhân dân. Cùng với cả nước nói chung, chúng ta đang bước vào giai đoạn vàng có ý nghĩa quyết định trong việc phòng, chống dịch COVID-19. Đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân phải ưu tiên nguồn lực, thời gian, công sức, chuẩn bị tốt nhất các phương án lực lượng, cơ sở vật chất, kinh phí, vật tư, thiết bị,… sẵn sàng ứng phó hiệu quả trong mọi tình huống nảy sinh. Thực hiện Quyết định số 07 ngày 30/3/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 giao cho UBND tỉnh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, dự toán ngân sách trình HĐND tỉnh thẩm định, quyết định xong trước ngày 08/4/2020.

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ thảo luận, quyết định thông qua chủ trương sử dụng kinh phí ngân sách phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó để các cấp, các ngành tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh một cách có hiệu quả, nhằm bảo vệ sức khỏe và cuộc sống an toàn cho toàn thể nhân dân. Đây là nội dung có ý nghĩa rất quan trọng, đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh với trách nhiệm đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân nghiên cứu kỹ các văn bản đã gửi trước đến các đại biểu, đóng góp ý kiến để Nghị quyết được ban hành phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn.

Sau khi xem xét, thảo luận về Tờ trình của UBND tỉnh, Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết nhất trí cao thông qua Dự thảo Nghị quyết Thông qua việc sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước năm 2020, để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, theo kịch bản từ cấp độ 1 đến cấp độ 5 (kinh phí ở cấp độ sau đã bao gồm kinh phí của các cấp độ trước đó). Kinh phí này để phục vụ các nội dung: Cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị y tế; thuốc, vật tư tiêu hao, khẩu trang, trang phục bảo hộ, hóa chất, tuyên truyền; hỗ trợ tiền ăn và phụ cấp phòng, chống dịch cho các đối tượng; phụ cấp cộng tác viên, tình nguyện viên.

Dự kiến tổng kinh phí ở cấp độ 1 là hơn 40,6 tỷ đồng, cấp độ 2 gần 90,4 tỷ đồng, cấp độ 3 hơn 201 tỷ đồng, cấp độ 4 gần 460 tỷ đồng. Tổng kinh phí ở cấp độ 5 dự kiến gần 1.406 tỷ đồng, nguồn kinh phí cụ thể: Dự phòng ngân sách địa phương năm 2020: 470 tỷ đồng; Thu hồi dự toán chi thường xuyên của các nhiệm vụ chưa phân bổ chi tiết đến đơn vị sử dụng ngân sách: 390 tỷ đồng; Kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản chưa phân bổ: 125 tỷ đồng; Quỹ dự trữ tài chính của tỉnh: 45 tỷ đồng; Nguồn bổ sung có mục tiêu của Trung ương: 245 tỷ đồng; Đề nghị Trung ương cho sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường: 131 tỷ đồng.

Về phân cấp nhiệm vụ chi: Đối với kinh phí mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, hóa chất khử trùng, hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng do ngân sách cấp tỉnh bảo đảm. Đối với kinh phí chi trả phụ cấp của thành viên Ban Chỉ đạo; phụ cấp cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác chống dịch thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm. Trường hợp địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch lớn mà sau khi sắp xếp lại ngân sách, sử dụng hết dự phòng vẫn chưa đủ nguồn thì ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ để các địa phương có đủ nguồn lực thực hiện.

Về điều hành chi ngân sách phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, HĐND giao UBND tỉnh bố trí đủ nguồn lực, căn cứ diễn biến thực tế và chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tổ chức điều hành cho phù hợp với các cấp độ; tạm dừng ban hành, phê duyệt các đề án, nhiệm vụ làm tăng chi ngân sách từ nay đến hết năm 2020. Trường hợp dịch có diễn biến phức tạp, cần tập trung thêm nguồn lực thì áp dụng các biện pháp tiết kiệm 5% chi thường xuyên còn lại (không bao gồm các khoản lương và có tính chất lương) của 8 tháng cuối năm 2020, đối với các đơn vị sử dụng ngân sách; cắt giảm, giãn hoãn một số nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết, cấp bách như: Mua sắm, sửa chữa lớn, các đề án, đề tài đã giao cho các đơn vị, nhưng chưa thực hiện.

Đối với kinh phí thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, người nghèo, người yếu thế, người làm bán thời gian, người mất việc làm, để có thu nhập nhằm bảo đảm đời sống ở mức tối thiểu, theo quy định của Trung ương, sẽ sử dụng từ nguồn bổ sung có mục tiêu và nguồn cải cách tiền lương của tỉnh.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Quốc Chung khẳng định Nghị quyết vừa được thông qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng liên quan tới huy động nguồn lực đáp ứng công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh theo yêu cầu hiện nay và chỉ rõ một số yêu cầu để Nghị quyết được triển khai thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn./.

Quang Minh