Đồng chí Nguyễn Tử Quỳnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Ninh tiếp và làm việc với Đoàn.

Lãnh đạo 2 Đoàn trao đổi về xây dựng Chính quyền điện tử, mô hình thành phố thông minh (Ảnh: TD)

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh thông tin nhanh những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua. Đến nay, Bắc Ninh cơ bản hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra với nhiều chỉ tiêu nằm trong tốp dẫn đầu cả nước. Bắc Ninh cũng là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai xây dựng Chính quyền điện tử, mô hình thành phố thông minh và là một trong 03 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thành lập Trung tâm Hành chính công trực thuộc UBND tỉnh. Sau 02 năm đi vào hoạt động, trung bình mỗi ngày có từ 750-800 lượt tổ chức, công dân đến giao dịch tại các Trung tâm Hành chính công; trong đó, có 450 hồ sơ được giải quyết sớm hạn, giảm 500.000 giờ/năm…

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh mong muốn trong thời gian tới, Bắc Ninh và Ninh Bình sẽ tiếp tục có những chương trình hợp tác, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nhất là trong công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa 02 địa phương.

Thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP, UBND tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành các văn bản, chính sách, nguồn lực đầu tư cho ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Đến nay, Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh được đầu tư nâng cấp, bước đầu đáp ứng nhu cầu đặt máy chủ của các cơ quan Nhà nước, hạn chế tối đa việc mất an toàn thông tin và dữ liệu. Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng tốc độ cao được kết nối với các cơ quan hành chính Nhà nước từ tỉnh đến xã; trên địa bàn thành phố Bắc Ninh đã lắp đặt thí điểm 296 camera giám sát và hệ thống wifi miễn phí. Tỉnh đang nghiên cứu đầu tư các dự án hợp phần mô hình thành phố thông minh gồm: Trung tâm dữ liệu thành phố thông minh; Trung tâm điều hành giám sát an ninh công cộng; quản lý giao thông thông minh…

Tỉnh đã đưa vào sử dụng 819 dịch vụ công mức độ 3, 4, vượt hơn 100 dịch vụ so với kế hoạch và vượt tiến độ 10 tháng so với quy định của Thủ tướng Chính phủ. Cổng Thông tin điện tử tỉnh và 194 Cổng thành phần hoạt động ổn định và duy trì cập nhật thông tin theo quy định; duy trì hoạt động ứng dụng Zalo trong cải cách hành chính…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh và các Sở, ngành trực tiếp trả lời những vấn đề mà Đoàn công tác tỉnh Ninh Bình quan tâm liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng Chính quyền điện tử; việc chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu; hệ thống phần mềm một cửa và Cổng dịch vụ công của tỉnh; tính liên thông trong giải quyết TTHC và việc ứng dụng chữ ký số văn bản điện tử trong giải quyết TTHC; tỷ lệ giải quyết hồ sơ và đội ngũ cán bộ làm việc tại Trung tâm Hành chính công tỉnh…

Thay mặt Đoàn công tác tỉnh Ninh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Điến trân trọng cảm ơn sự đón tiếp trọng thị cũng như những ý kiến chia sẻ rất chân thành, cởi mở của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Đồng thời, khẳng định đây sẽ là những kinh nghiệm quý báu để Ninh Bình áp dụng thực tiễn vào công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử và mô hình thành phố thông minh cũng như triển khai hiệu quả hoạt động của Trung tâm hành chính công tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh./.

TD