Việc triển khai các mô hình khuyến nông đã tạo thuận lợi cho phát triển
 sản xuất nông nghiệp ở Bắc Ninh. (Ảnh: NQ)

Cụ thể, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn tỉnh Bắc Ninh 6 tháng đầu năm 2018 vào khoảng 4.922,02 tỷ đồng (giá so sánh 2010), đạt 56,28% kế hoạch năm, tương đương so cùng kỳ năm 2017. Tỉnh Bắc Ninh đã hình thành 200 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, góp phần đưa năng suất lúa vụ Xuân đạt 65,7 tạ/1ha, cao nhất trong vòng 3 năm qua, sản lượng đạt hơn 223.000 tấn. Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 5.234 ha, sản lượng ước đạt 20.640 tấn...

Những kết quả trong đẩy mạnh phát triển toàn diện sản xuất nông nghiệp cũng đã có tác động tích cực tới việc xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đến tháng 6/2018, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh là 18,51 tiêu chí/xã (tăng 1,23 tiêu chí/xã so cùng kỳ năm 2017); có 82 xã đạt 19/19 tiêu chí, 12 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, còn 3 xã đạt từ 13 - 14 tiêu chí...

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Bắc Ninh trong 6 tháng đầu năm nay cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất là việc xây dựng thương hiệu và tăng cường quảng bá, giới thiệu sâu rộng các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu trong tỉnh chưa đi vào chiều sâu; việc thực hiện đơn giản hóa thủ tục, điều kiện hưởng các chính sách ưu đãi trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế; công tác tập huấn nâng cao trình độ quản lý cho các hợp tác xã nông nghiệp sau chuyển đổi còn gặp nhiều khó khăn…

Được biết, từ nay đến cuối năm 2018, ngành NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp&PTNT, hoàn thành các chương trình, kế hoạch đã đề ra. Mục tiêu là phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản cả năm đạt 8.759,3 tỷ đồng, tăng 1,05% so với năm 2017; có ít nhất 88 xã, 4 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới... Theo đó, ngành NN&PTNT và các địa phương sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với thị trường theo chuỗi giá trị gia tăng nhằm tạo sự bứt phá trong sản xuất nông nghiệp. Trước mắt, tích cực tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của tỉnh trong phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn; hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt…

Như Quỳnh